Người dân vẫn còn nhiều bức xúc liên quan đến khám chữa bệnh và tăng viện phí

(VOH) – Thính giả nghe đài liên tục gọi điện tới chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” chất vấn, bức xúc, chưa hài lòng vì tăng viện phí, về chất lượng khám chữa bệnh, thái độ ứng xử của đội ngũ nhân viên y tế hiện nay.

Các khách mời tham gia chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố" sáng nay 26/3 (Ảnh: Khiêm Huân)

Chưa đầy 60 phút, nhưng số lượng thính giả gọi về đặt câu hỏi chất vấn khách mời trong buổi đối thoại chủ đề “Tăng viện phí và các giải pháp đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh” khá nhiều.

Người dân khổ vì tăng viện phí

Viện phí chính thức tăng theo Thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc được áp dụng từ đầu tháng 3.

Tuy nhiên, thông tin về việc tăng giá viện phí còn khá mờ mịt vì thế nên nhiều bệnh nhân không khỏi bất ngờ khi tiền tăng quá cao, chưa kể tới việc bệnh nhân không kịp chuẩn bị tài chính khi đột ngột giá tăng, phải vội xuất viện.

Thính giả Nguyễn Diện, quê Quảng Ngãi, đến TPHCM chữa bệnh bức xúc: “Thời gian viện phí chưa tăng và tăng sau ngày 1/3 là bao nhiêu phần trăm. Chứ tôi thấy rất cao, một bệnh nhân từ 160 ngàn lên 250 ngàn tiền phòng. Ý thứ hai tôi muốn hỏi là vì sao người bệnh đã đành, còn người nuôi cũng có thu phí là như thế nào? Trước 1/3 tôi đóng là 30 ngàn sau là 40 ngàn”.

Ở góc độ vĩ mô, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP bà Lưu Thị Thanh Huyền đã trấn an người dân: “Điều chỉnh viện phí này có ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm y tế, tuy nhiên theo tôi cũng không nhiều. Thứ nhất các đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 toàn bộ chi phí được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Còn những đối tượng đồng chi trả 20% và 5% thì bảo hiểm y tế cũng có quyền lợi cho nhóm này khi tham gia 5 năm liên tục”.

Sau Thông tư 37, trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được miễn chi phí khám chữa bệnh (Ảnh: Nhất Hương)

Bức xúc thái độ nhân viên y tế

Song hành cùng nỗi lo tăng viện phí thì chất lượng khám chữa bệnh, thái độ ứng xử, phục vụ người bệnh lại là đề tài nóng tiếp tục được cử tri TP chất vấn ngành lần này. Nhiều bệnh nhân gọi điện về than phiền: “thái độ bác sĩ rất khó chịu, giống như ở ngoài chợ vậy, bác sĩ rất mệt tôi biết nhưng bệnh nhân họ cũng mệt vậy” hay “tôi người khiếm thị, không thấy đường cầm giấy siêu âm lên nhưng bác sĩ cũng quan liêu nữa, tôi không biết đẩy cửa vô,  cô nhân viên y tế la hỏi ông kia ông đi đâu, ông cần gì, ông siêu âm thì nộp giấy ra chờ chứ làm gì chui vô đây?

“Bệnh viện vắng bệnh nhân cũng sẽ đồng nghĩa với tự đào thải” chính điều đó đòi hỏi các bệnh viện phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ. Phó Giám đốc Sở Y tế TP TS.BS Tăng Chí Thượng: “Tôi đánh giá điều đó có tác động rất lớn tới các bệnh viện, thời điểm này đòi hỏi các bệnh viện phải thay đổi, phải xem bệnh nhân nói chung không có bảo hiểm hay có bảo hiểm là khách hàng của bệnh viện. Lượng bệnh nhân đến bệnh viện nhiều hay ít chính do các bệnh viện quyết định. Mà số lượng khám ít thì bệnh viện thu ít không đủ hoạt động, do đó tôi thấy đây là thời điểm mà các bệnh viện cần phải nỗ lực rất lớn”.

Bệnh viện cũng rối vì Thông tư 37

Không những bệnh nhân là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng, các cơ sở y tế cũng khá lúng túng khi thực hiện.

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP nói: “Cho đến khi Thông tư 37 được ban hành, ở bệnh viện Ung bướu có 652 kĩ thuật bao gồm phẫu thuật, thủ thuật chuyên ngành ung bướu nhưng ngay những ngày đầu thực hiện bệnh viện chỉ có 410 kĩ thuật là có biểu giá thôi, vì vậy bệnh viện rất lúng túng khi cập nhật các kĩ thuật vào trong bảng giá”.

Khó khăn của Bệnh viện Ung bướu cũng là khó khăn chung của các cơ sở y tế hiện nay trong bối cảnh Bộ Y tế chưa thể ban hành giá cho tất cả các danh mục tăng giá lần này.

Bác sĩ Đinh Thị Liễu – Trưởng Phòng tài chính kế toán – Sở Y tế TP phản hồi: “Do Bộ Y tế không thể xây dựng giá cho hơn 17.000 dịch vụ kĩ thuật nên Bộ Y tế ban hành danh mục tương đương về kĩ thuật, về chi phí thực hiện làm cơ sở thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Hiện nay Bộ đã ban hành được 4.000 dịch vụ kĩ thuật tương đương còn lại bệnh viện tiếp tục thu theo mức giá trước đây chưa cộng chi phí trực phẫu thuật và tiền lương vào”.

Tựu trung lại những vấn đề từ buổi đối thoại với cử tri TP tháng 3 này, bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐNDTP đã có lưu ý với ngành y tế: “Tôi thấy phải đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, rồi thuốc, thái độ phục vụ, cải cách hành chính cho người dân đến khám nhanh, thuận tiện nhất. Đó là những yêu cầu người dân TP mong muốn. Với giá dịch vụ tăng như vậy tôi cũng xin khuyến nghị người dân tham gia Bảo hiểm Y tế hộ gia đình làm giảm bớt chi phí người dân phải trả theo Thông tư 37”.

Xem người bệnh là trung tâm, là khách hàng để tận tâm, tận tụy phục vụ là hướng đi sáng suốt, thông minh của nhiều cơ sở y tế nếu muốn tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, họ vẫn phải không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Ngành y tế TP sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng, xử lí nghiêm những hành vi vi phạm Y đức, làm mất niềm tin của bệnh nhân về ngành. Trước mắt, lời khuyên mà chúng tôi muốn gửi đến cử tri TP là để không bị ảnh hưởng nhiều khi gặp rủi ro bệnh tật, người dân nên tham gia ngay bảo hiểm y tế vì không chỉ tăng giá vào đầu tháng 3, sắp tới tháng 7 này, viện phí lại tiếp tục tăng cao.