Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 8 (Bão Toraji)

(VOH) - Chiều tối nay (17/11), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 08 (tên quốc tế Toraji).

Vào hồi 18 giờ ngày 17/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 19 giờ ngày 18/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 109,3độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Bão số 8

Dự báo đường đi của bão số 8 - Nguồn: KTTVTW

Do ảnh hưởng của bão ở phía Tây của khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa dông mạnh; gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh. Từ đêm nay, vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu gió mạnh dần lên cấp 6-7,  vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m; biển động mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên): từ vĩ tuyến 9,0 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 19/11, vị trí tâm vùng áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ).   

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay (17/11) đến ngày 19/11 ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông, lượng mưa phổ biến từ 70-150mm.

Từ đêm nay đến ngày 19/11, trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Bình Định, Phú Yên dưới BĐ1, các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực trên.

Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất: cấp 1-2.   

** Nhằm chủ động đối phó và phòng tránh hậu quả nghiêm trọng của bão, ngày 17/11, UBND TPHCM đã có công văn khẩn gời các đơn vị trực thuộc nhằm chỉ đạo thực hiện các phương pháp bảo vệ an toàn cho người và tài sản trong các khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, ông Liêm giao thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP tùy theo diễn biến áp thấp nhiệt đới để quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch… xuất bến ra khơi.

Chủ tịch UBND các quận, huyện chuẩn bị ngay phương án di dời dân đến nơi an toàn, đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần, đặc biệt là UBND huyện Cần Giờ.

Sở Xây dựng TP cũng được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các nhà xưởng, công trình đang thi công, nhất là giàn giáo, cần trục tháp, chung cư cũ, xuống cấp...

Nội dung Công văn 5195: Congvanso5195ngay17thang11nam2018_20181117193025.PDF