“Bê Ô Tê” là chùm khế ngọt

(VOH) - Thưa bà con! Không biết Hai Sài Gòn suy nghĩ gì trong đầu mà tự nhiên anh cất giọng “oanh vàng” cải biên bài Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân “Bê Ô Tê là chùm khế ngọt. A-B trèo hái mỗi ngày”.

Tư hưu trí “bật mí” liền “Sao, bức xúc vụ trạm thu phí BOT ở Cai Lậy chứ gì?”

Hai Sài Gòn cho là trạm thu phí BOT đường bộ Cai Lậy chẳng qua là “giọt nước làm tràn ly" thôi, anh nhắc lại trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm ngoái nghị trường đã nóng lên khi nghe báo cáo “trên toàn tuyến Quốc lộ 1 có tới 37 trạm thu phí. Trong số này quá nửa là trạm thu phí của các dự án BOT”. Nhưng có tới 8 trạm BOT bị đặt nhầm chỗ gây bức xúc dư luận, tức nhiên lúc đó chưa có trạm BOT đường bộ ở Cai Lậy.

Mới đây, cách nay chưa đầy tuần cũng tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói ông rất buồn và thắc mắc tại sao các nhà đầu tư BOT không vào lĩnh vực đường sắt hay đường thủy mà cứ châm bẵm vô đường bộ rồi đặt trạm thu phí nhằm chỗ.

Ảnh: Zing

Tư hưu trí chê Hai Sài Gòn không biết đầu tư BOT cho đường bộ là “tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”. Rồi anh chứng minh: Ngày 20/7/2017, Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên địa bàn Hà Nội. Hàng loạt dự án ngàn tỷ đã được “điểm danh” với những sai phạm nghiêm trọng, như lựa chọn nhà đầu tư, có nhiều mập mờ.

Để ưu ái các nhà đầu tư, những chỉ số về năng lực, về tính pháp lý… của nhà đầu tư được ưu ái đều được bỏ qua. Các ưu ái này được ưu tiên ứng trước tiền ngân sách. Bởi họ không quản lý và đầu tư bằng tiền của họ, mà là của Nhà nước - của chung - của dân.

Cái nữa là các dự án BOT giao thông như một mê hồn trận đẩy người dân đến chỗ hết lựa chọn. Oái oăm nhất là việc đầu tư một nơi, thu tiền một chỗ. Oái oăm hơn nữa, là những chỗ đặt sai trạm thu tiền, lại là những chỗ thường nhiều xe đi nhất hoặc chặn tất cả những đường khác có thể đi, nhằm buộc người dân đi vào đường BOT như vụ cầu Việt Trì, cầu Bến Thủy… với quyết tâm của mấy ông BOT là “không cho chúng nó thoát”.

Tất cả những chuyện “ba trợn” “trật chìa” của dự án BOT đường bộ đã được Chính phủ lường trước cách đây hơn 3 năm ngày 10/6/2014, lúc đó Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có công văn giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Tài chính rà soát cụ thể các trạm thu phí hoàn vốn thuộc dự án BOT trên các quốc lộ, đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành, khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên phạm vi toàn quốc trình cấp thẩm quyền phê duyệt… vấn đề là mấy Bộ được giao nhiệm vụ có làm hay không mà tới nay “tè le” ra như vậy.

Tới đây thì Hai Sài Gòn vỗ đùi cái bép! Hèn chi dự án BOT ở Cai Lậy lạ một điều rất ư “cơ bổn”. Đó là ngày 20/02/2014 dự án đường tránh Thị xã Cai Lậy dài 12km được khởi công, thì tới tháng 4/2014 “Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 tức chủ đầu tư BOT Cai Lậy mới thành lập, y như rằng “trứng đẻ ra vịt” nên rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đặt câu hỏi: Liệu công ty này có vốn đối ứng để thi công không, hay 100% là vốn đi vay ngân hàng? Tui thấy lạ nữa là hợp đồng Bộ Giao thông vận tải đã ký với chủ đầu tư, ngoài vấn đề thiên tai, chiến tranh, còn có nội dung “bất khả kháng" là: "Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong hợp đồng thì Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư tính toán lại theo hướng kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư”.

Sao lạ vậy mấy anh, chẳng lẽ Bộ Giao thông vận tải non tay về khả năng ký kết hợp đồng BOT, đi ký một điều khoản vô cùng bất lợi cho mình - tự trói mình vào nghĩa vụ đảm bảo được doanh thu nhằm hoàn vốn cho nhà đầu tư. Ký một điều khoản như vậy, cho thấy Bộ Giao thông vận tải không xem nhà đầu tư của Dự án này là một đối tác kinh doanh, mà Bộ xem như "con đẻ" của mình, phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn sống cho nó, dù nó không phải là một doanh nghiệp nhà nước.

Tư hưu rí cười ha hả bởi ý của Hai Sài Gòn giống với suy nghĩ của anh có gì đó khuất tất mờ mờ ảo ảo, không rõ ràng. Sướng một điều là khuất tất nầy, dù cố giấu nhưng ai cũng thấy!

Tư hưu trí cho là chuyện ông Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ, ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang đề nghị trích xuất camera ở trạm thu phí Cai Lậy để xử lý mấy ông tài xế qua trạm trả bằng tiền lẻ bỏ vào chai nhựa. Tui thấy mấy ông nầy cũng là quan to mà sao chỉ đạo vô duyên như trẻ con.

Hai Sài Gòn đồng tình với Tư hưu trí, bởi Điều 3, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 130/2003 ngày 30/6/2003 về việc bảo vệ tiền Việt Nam qui định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam". Tiền dù mệnh giá nào cũng là tiền được lưu hành hợp pháp. Chê tiền lẻ là vi phạm pháp luật. Việc lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán phí không thể qui họ vào tội gì, lỗi gì.

Tư hưu trí cũng cho rằng, cái nầy tui nghe nhiều luật sư phân tích lắm rồi. Tui có nghiên cứu trong Bộ luật Tố tụng hình sự, không có điều khoản nào quy định xử lý tiền có mệnh gia nhỏ vào chai, lo nhựa hết. Rồi anh “túm” lại đối với những trạm thu phí BOT đường bộ vấn đề hiện nay người dân bức xúc đòi hỏi là cần phải giải quyết cái gốc của vấn đề là phí hạ giá còn bao nhiêu mà là dời trạm về đúng vị trí của nó và định lại mức phí để lái xe có thể chấp nhận được.

Suy cho cùng phí qua trạm BOT đường bộ tăng thì nó “đánh” trực tiếp vào cước vận tải hàng hóa, đi lại, vào bữa cơm hàng ngày, vào mọi sinh hoạt của người dân, chỉ mấy ông bà không sống bằng lương mới vô cảm với mấy trạm thu phí BOT đường bộ đặt nhầm chỗ mà thôi.