Cấm nịnh bợ, làm sao cấm được?

(VOH) - Thưa bà con! Tư hưu trí người có duyên kể chuyện tiếu lâm nhứt trong nhóm.

Sáng nay mở đầu chầu cà phê sáng Tư hưu trí kể chuyện “Thối quá, thối thật !”. Chuyện thế nầy: Hai anh đại nịnh ngồi hầu chuyện cụ lớn. Bất thần, cụ đánh một cái “trung tiện”. Một anh giả vờ lắng nghe, rồi nói: Y hi! Quản huyền chi âm (Ôi ! Nghe như tiếng đàn, tiếng sáo). Một anh hếch mũi lên ngửi, rồi nói: Phảng phất ngọc lan chi vị (Thoang thoảng như mùi hoa ngọc lan). Cụ lớn có ý buồn, bảo: Ta nghe nói trung tiện là uế khí, nó ra ngoài mùi nó thối mới phải, chứ nó thơm thì ta e rồi không thọ được bao lâu nữa. Một anh nghe nói vậy, vội đưa tay lên như bắt hơi, hít đi hít lại, rồi bẩm: Bẩm, bây giờ đã có mùi thối ạ. Anh kia cũng vờ vịt khịt luôn hai ba cái, nói tiếp: Bẩm bây giờ thì thối thật, thối quá! Thối kinh khủng!

Nghe bài viết:

Anh em trong quán cười rần lên! Hai Sài Gòn biết ý đồ của Tư hưu trí trong việc kể chuyện nịnh bợ bề trên. Nhiều anh nghe Hai Sài Gòn nói thế liền “dí” lý do tại bị làm sao Tư hưu trí kể chuyện nầy.

Hai Sài Gòn cho biết Thủ tướng vừa phê duyệt đề án văn hoá công vụ nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; Đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; Không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; Không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Rồi anh bình về nội dung nầy “Kẻ nịnh hót là những tên ích kỷ nguy hiểm. Đó là kẻ xấu xa nhất trong số những kẻ thù. Nó vừa là tội phạm, vừa là nhân chứng”. Một triết gia đã nói “trong số những con thú hoang dã thì con thú gièm pha là đáng sợ nhất. Con người thì đáng sợ nhất là kẻ xu nịnh”.

Ảnh minh họa

Tư hưu trí nhứt trí với nhận định của Hai Sài Gòn. Anh “ôn cố” khi Vua Thành Thái mới lên ngôi, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm “kiến” vua tấm hoành phi có 16 chữ bằng vàng ròng: “Tôn tộc đại quy, Tôn lộc đại suy, Tôn tài đại thịnh,Tôn nịnh đại nguy”. Có nghĩa là: Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp; Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan; Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh; Tôn trọng siểm nịnh ắt đại suy vong.

Hai Sài Gòn phân tích nguy hiểm của thói nịnh bợ cấp trên dễ dẫn đến nguy cơ suy thoái lớn, thậm chí nếu không ngăn chặn kịp thời có khả năng khuynh đảo xã hội. Tuy nhiên, để chống lại tệ xu nịnh thật không dễ dàng gì.

Tư hưu trí “dí” tới bến “Như thế chịu thua xu nịnh à? Phải làm cách nào chứ”. Theo Hai Sài Gòn chỉ có cách giải quyết là yếu tố con người, nhứt là hàng lãnh đạo phải có tâm, có tài, biết mình, biết người, lúc nào cũng nhớ “tôn tài đại thịnh, tôn nịnh đại nguy”. Tư hưu trí khoái chí vỗ đùi bem bép.

Để kết thúc kể chuyện tiếu lâm, Tư hưu trí cho là không phải người nghèo nào cũng xu nịnh, bằng chứng là chuyện cười dân gian kể “có hai anh chàng nhà nghèo và nhà giàu nói chuyện với nhau, anh giàu hỏi tôi giàu anh có nịnh tôi không? Người nghèo trả lời ông giàu mắc mớ gì đến tôi mà tôi phải nịnh ông? Anh nhà giàu hỏi tiếp nếu tôi cho anh nửa gia tài, anh có nịnh tôi không? Người nghèo lại trả lời lúc đó tôi giàu bằng ông rồi việc gì tôi phải nịnh ông. Nhà giàu bèn nâng giá nếu tôi cho anh cả gia tài, anh có nịnh tôi không? Người nghèo lại trả lời chắc chắn lúc đó ông phải nịnh tôi.” Anh em nghe Tư hưu trí kể, người nào cũng ôm bụng cười.