Cảnh giác với mạng xã hội

(VOH) - Lại có thêm một nữ sinh là nạn nhân của thói tàn nhẫn đến vô cảm của một bộ phận cư dân mạng trẻ tuổi hợm mình. Chuyện mới xảy ra cách đây chỉ vài hôm ở Đà Nẵng chắc là anh Hai Sài Gòn biết chứ?

Có biết và rất đau lòng, thậm chí Hai tui vô cùng phẫn nộ. Mới hồi đầu tháng ở Hà Nội, nữ sinh lớp 12 Nguyễn Thị Cẩm Linh bị bạn cùng lớp chọc phá bằng cách ghép ảnh gương mặt Linh vào ảnh sex tung lên mạng khiến em bức xúc đến mức phải quyên sinh. Hôm qua 14/7, Báo Tiền Phong đưa tin: ở Đà Nẵng một nữ sinh tự tử suýt chết vì bị nhục mạ, xúc phạm trên trang Facebook “Bộ mặt thật của Hot Teen Đà Thành”. Trang mạng này do một đám thanh niên lập ra nhằm tăng số lượng truy cập “câu Like “. Hễ cứ có các em thiếu niên ghét nhau, đánh nhau ngoài đời thì tung lên mạng cho thiên hạ bình phẩm, chửi rủa, “ném đá” tơi bời mà chẳng hề cân nhắc sự việc đúng sai, lời lẽ còm men khiếm nhã, thô tục. Bức tử người khác, cái giá cho thói vô cảm đến tàn nhẫn như vậy là quá đắt. Theo Tư Cổ Cò thì để xảy ra chuyện thương tâm đó là do mạng xã hội hay do nền tảng đạo đức của một bộ phận giới trẻ đang bị lung lay?

Một nữ sinh tại Đà Nẵng tự tử suýt chết vì bị nhục mạ, xúc phạm trên trang Facebook “Bộ mặt thật của Hot Teen Đà Thành”. Trang mạng này do một nhóm thanh niên lập ra nhằm tăng số lượng truy cập “câu Like “ (ảnh trên FB)

Anh Hai hỏi tui thì tui biết hỏi ai đây? Hay là hỏi má sấp nhỏ? Có lần thử hỏi thì Bà xã phán ngay: “cứ dẹp các mạng xã hội là xong”. Muốn cây cối trong vườn tốt tươi ngoài việc vun phân, tưới nước thì còn phải mạnh tay nhổ hết cỏ dại. Cây nào tốt mới bứng về trồng chứ cái thứ “mai dương” mà đem về thì nó tàn phá tiêu tan hết đất đai màu mỡ. Hồi xưa không có phây bút, gu gồ, du túp thì giới trẻ ít hư hỏng, học đòi. Bây giờ có mấy thứ đó nên văn hóa đồi trụy và lối sống “tưng tửng” bất cần đạo lý mới theo đó nở rộ như nấm mọc sau mưa.

Nghe cũng có lý đó! Đụng tới Gu gồ, phây bút, du túp mà nếu không tự trang bị bộ lọc, non kém về nhận thức lại thiếu kỹ năng sống thì dễ bị cám dỗ, mất phương hướng, dẫn tới mắc sai lầm, phạm pháp, thậm chí vong mạng như chơi! Mạng xã hội có cả 2 mặt tốt - xấu luôn đan xen nhau. Nó giúp cho thế giới xích lại gần nhau, “xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt”. Nó cũng làm hại cho biết bao nhiêu con người, hằng triệu gia đình điêu đứng, mất ăn mất ngủ vì thực trạng luân lý, đạo đức suy đồi.



Nghe được mấy lời đồng thanh tương ứng của Hai Sài Gòn, đảm bảo bà xã nhà tui sẽ thốt lên “phải quá đi chớ”. Nhất là nói về mặt trái của mạng xã hội.

Thì chú Tư thử nghĩ lại đi! Một khảo sát của Anh mới đây đã phát hiện ra rằng, Facebook phải chịu trách nhiệm cho trên 20% vụ ly hôn ở đất nước này. Cảnh sát Anh cũng buộc tội Facebook vì không quan tâm đến sự an toàn của trẻ em. Thực tế, số vụ kiện cáo bị lừa đảo và đe dọa từ Facebook gây ra đã tăng hơn gấp 4 lần trong năm 2011, năm mà mạng xã hội này vượt Google trở thành mạng được truy cập nhiều nhất tại Mỹ. Ofcom, một tổ chức giám sát truyền thông cho biết: có khoảng 19% trẻ em từ 8 đến 12 tuổi sử dụng các trang web truyền thông như Facebook mà nhiều bậc cha mẹ không hề biết. Cũng tổ chức này phát hiện ra rằng, 70% trong số trẻ em dưới 11 tuổi sử dụng mạng xã hội và khi đọc thì chúng tin vào tất cả hoặc phần lớn những gì chúng đọc.

Đó là chuyện ở trời tây, còn chuyện ở nước ta thì Tư Cổ Cò cho rằng mạng xã hội đã khiến nhiều người mất rất nhiều thời gian cho những chuyện “tào lao”. Nó làm cho họ trở thành người “nghiện” mạng xã hội mà không hề hay biết.


Đúng vậy đó chú Tư! Mạng xã hội có thể dễ dàng khiến ta cảm thấy “ghen ăn tức ở” với người khác và mạng xã hội còn là phương tiện để qua đó bọn xấu thực hiện các hành vi lừa đảo, gian manh.

Vậy nên! Nhất trí với ý kiến của má sấp nhỏ. Tư Cổ Cò thấy nhà nước ta nên đoạn tuyệt với cái gọi là mạng xã hội. Làm như thế mới vì tương lai con em chúng ta.

Trời đất! Làm gì thái quá vậy chú Tư? Ngăn sông, cấm cửa kiểu đó khác nào chú muốn xã hội mình lạc hậu với thế giới hay sao?

Chứ biết phải làm sao bây giờ hả anh Hai? Không lẽ người người cảnh giác, nhà nhà cảnh giác với thế giới ảo, với mạng xã hội? Nếu chỉ trông chờ vào ý thức cảnh giác của “người người”, “nhà nhà” thì e rằng đó lại là mất cảnh giác.

Biết làm sao được! Phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Hãy tự cứu mình trước rồi mới mới mong trời cứu.