Để không còn "chống ngập chỗ này... lại ngập chỗ khác"  

(VOH) - Sáng sớm ra quán cà phê, anh em trong nhóm bàn luận rôm rả tình hình an ninh trật tự, giá cả trong 3 ngày nghỉ Tết Tây, Ba thợ hồ bổ sung thêm thông tin nóng sốt “còn chuyện nữa, đó là tối đêm ngày 2 rạng ngày 3/1, bà con 2 phường Thạnh Xuận, Thạnh Lộc (Quận 12) phải trắng đêm chống ngập, nghe nói thiệt hại cũng bộn bộn…”.

Nghe nội dung bài viết

Nhiều anh em  nghi ngờ thông tin này, bởi theo quy luật thì tối đó đã là mùng 6 âm lịch, triều cường phải xuống, thứ nữa, Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ không có dự báo gì về triều cường thì làm sao ngập mà ngập lớn như thế được.

Ba thợ hồ "thề bán mạng" và nói là chính gia đình em gái anh là một trong hàng trăm hộ bị nạn.

Triển khai chống ngập đồng bộ thì công tác chống ngập mới có hiệu quả. Ảnh: TBKTSG

Để thông tin thêm cho anh em, Hai Sài Gòn xác nhận thông tin Ba thợ hồ đưa ra là chính xác, nguyên nhân ngập nặng ở 2 phường này không phải do triều cường gây nên mà là do nắp cống ngăn triều Cán Dù tại khu phố 1, phường Thạnh Xuân bị tuột khỏi bản lề lúc triều cường đang lên nên xảy ra sự cố nước sông Vàm Thuật tràn vào khu dân cư, sở dĩ bà con bị thiệt hại nhiều vì quá bất ngờ, đối phó không kịp, chủ yếu là hàng hóa bị ướt, hư hỏng.

Nghe tới đây, Tư hưu trí cười đầy nghi hoặc “Điệu này cống làm bằng bê tông cốt tre rồi…”.

Hai Sài Gòn chỉnh bạn mình: Biết thì nói, không biết dựa cột mà nghe. Đây là chuyện hệ trọng, chống ngập là chủ trương lớn của thành phố, không được phát biểu khi chưa biết chắc.

Từ đó, nội dung trong quán cà phê chuyển qua chủ đề chống ngập.

Tư hưu trí vẫn còn ấm ức hỏi Hai Sài Gòn: Chủ trương chống ngập thành phố là một trong các mục tiêu đột phá của thành phố, thành phố đầu tư rất nhiều, tụi mình ai cũng thấy ngay cầu Mống trước Ngân hàng Nhà nước đang xây cống ngăn triều chận dòng chảy của kênh Bến Nghé, nghe nói kinh phí gần 250 tỷ, vậy chứ xây xong rồi nước chảy đi đâu?.

Hai Sài Gòn trả lời: Cống ngăn triều Bến Nghé để trong mùa mưa khi mực nước ngoài sông dâng cao 6 tấc thì đóng cửa van cống tạo dung tích trữ đón mưa; còn khi mực nước ngoài sông rút xuống thấp hơn mực nước trong cống thì mở cửa van để tiêu nước, đảm bảo giao thông thủy qua lại bình thường. khi triều cường với mực nước ngoài sông lên đến 1 mét thì đóng cửa van cống để ngăn triều; khi mực nước ngoài sông rút xuống dưới 1 mét thì mở cửa van cống để tiêu nước. Theo quy hoạch được duyệt, TPHCM có 12 cống ngăn triều lớn để chống ngập nhưng hiện mới chỉ có cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè được vận hành, nên phải chờ.

Tư hưu trí phản biện liền: Tui thì nghĩ khác, chống ngập là phải đồng bộ, nước mà, bịt chỗ này nó chảy chỗ khác, mà nguyên nhân khiến công tác chống ngập của chúng ta “xịch đụi” bấy lâu nay, tui dẫn chứng lời Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TPHCM) cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn nghĩ nguyên nhân là biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao. Nhưng thực tế từ năm 1995 đến 2010, nước biển chỉ dâng cao tối đa 2 cm, trong khi thủy triều ở TPHCM lại dâng từ 20 đến 25 cm và có thể cao hơn nữa. Không ai nghiên cứu vì sao nước biển chỉ dâng 2 cm mà triều cường lại cao hơn gấp nhiều lần như vậy? Đây mới chính là nguyên nhân gây ngập. Theo ông Phúc, các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè vốn là những lá phổi, nơi thoát nước cho toàn thành phố, nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa. Thành phố ngập nặng là do chúng ta đã làm chết những lá phổi này. Đã sai lầm khi cho đô thị hóa xuống vùng trũng thấp, đã lấp sạch cả vùng trữ nước nên thành phố ngày càng ngập. Bây giờ cứ đi chống ngập theo kiểu giật gấu vá vai, thì có bao nhiêu tiền đi nữa cũng không thể nào hiệu quả được.

Hai Sài Gòn thừa nhận, nhiều nhà khoa học đã đưa ra quan điểm này, tuy nhiên là người trong cuộc - Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TPHCM) cho rằng, nguyên nhân chính khiến thành phố ngập ngày càng nặng, là do quá trình đô thị hóa, bêtông hóa thiếu kiểm soát. Nhiều công trình xây dựng chiếm mất diện tích thoát nước, san lấp kênh rạch nhưng lại không có gì để bù đắp, trong khi công trình thoát nước chỉ được đầu tư nhỏ giọt. Quá trình xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng của thành phố đã có từ mấy chục năm trước. Trong khi công tác chống ngập chỉ mới bắt đầu độ 10 năm trở lại đây. Thông thường, khi chi 10 đồng cho phát triển đô thị như xây khu chung cư, khu công nghiệp,.. thì phải có 2 đồng dành cho hạ tầng chống ngập. Nhưng thực tế, con số này ở TPHCM chưa tới 1 đồng, tức chưa được 10% yêu cầu. Về vốn đô thị hóa phần lớn là của tư nhân, san lấp kênh rạch, xây dựng cao ốc nhưng lại không dành lối thoát cho nước mà chỉ muốn đẩy nước đi chỗ khác. Chống ngập cứ chống ngập, san lấp kênh rạch vẫn san lấp thì không thể hiệu quả được.

Ba thợ hồ hỏi: “Vậy là mình đành bó tay sao?”.

Hai Sài Gòn mạnh dạn trả lời: Bó thế nào, đó là yêu cầu bức xúc của nhân dân, bằng mọi cách phải giải quyết cho bằng được chứ. Theo Cổng thông tin Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kế hoạch thực hiện các quy hoạch thoát nước và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM trong 2 giai đoạn 2016 - 2020 và từ 2021 - 2025, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 tập trung giải quyết chống ngập tại vùng trung tâm. Thủ tướng đồng ý bổ sung các cống Phú Định và Cây Khô vào quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM để kiểm soát triều, phát huy hiệu quả chống ngập đối với vùng Nam Sài Gòn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TPHCM, UBND tỉnh Long An tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung giải pháp chống ngập đối với phần diện tích còn lại trong quy hoạch chống ngập úng ở 2 địa phương.

Anh em trong quán cà phê nghe thông tin từ Hai Sài Gòn ai cũng cho là chí lý, bởi có làm đồng bộ như thế thì mới chống ngập có hiệu quả, nghe nói đây là mô hình chống ngập hiệu quả của Hà Lan mà.