Khi học sinh thần tượng sai người

(VOH) - Bàn cờ bày ra sẵn mà nhóm bạn già Hai Sài Gòn hổng nhấc nổi tay để đánh. Không khí ảm đạm như bão về khắp nơi, dù ngoài trời đang hầm hập nóng.

Ba Thợ hồ nhìn xa, giọng đắng chát “chẳng lẽ dân trí xuống thấp đến mức vậy sao ta? Sao lại đi tung hô những chuyện tào lao mía lao đến vậy, tung hê ai hổng tung hê, mà đi thần tượng thằng nhóc làm chuyện xằng bậy. Tương lai đất nước, rường cột đất nước như vầy thì sao tuổi già tui yên tâm được”.

Hai Sài Gòn nhìn Tư hưu trí cũng đang lắc đầu ngao ngán mà Hai tui hổng biết nói sao. Mà làm sao nói được, có lời bao biện nào cho việc mấy đứa học sinh nó thần tượng nhân vật Khá Bảnh như ngôi sao showbiz. Mèn ơi, có ai lại đi xin chữ kí, xin chụp hình chung rần rần với cái đứa có quá khứ bất hảo, nhiều phát ngôn gây sốc, nói tục chửi thề, coi thường pháp luật như Khá Bảnh đâu.

Mà tình thiệt trách thằng nhóc con này 1 thì phải coi lại nhận thức của mấy đứa học sinh tới 10, giận người lớn tới 100. Ai đời, thần tượng người tốt việc tốt hổng thần tượng, thanh niên học giỏi, nghiên cứu hay hông thần tượng, thiếu chi người tài người người giỏi chuyên môn, đóng góp cho xã hội hổng thần tượng, hay ca sĩ nghệ sĩ hát hay diễn giỏi hổng thần tượng mà đi thần tượng cái người cần phải giáo dục uốn nắn lại.

Tư hưu trí bất giác lên tiếng hỏi khó Hai Sài Gòn “Anh Hai học cao hiểu rộng biết sâu nói cho tui nghe đi, có phải thanh niên bây giờ thiếu hình mẫu để thần tượng hả anh Hai? Hay là giáo dục của chúng ta có vấn đề đến nỗi nhận thức con trẻ lệch lạc, thê thảm vậy ta? Hay tại người lớn mình vô tâm, vô lo đến nỗi đẩy bạn trẻ vô cái cảnh không biết nhận thức nào đúng nào sai mà đi làm cái chuyện rùi bu kiến đậu vậy anh Hai?”.

Trời đất ơi, Tư hỏi chi hỏi ác Hai tui dữ thần vậy nè. Tui cũng thắc mắc giống vậy mà có dám nói đâu, hay đúng hơn là hổng dám đối diện với câu hỏi đó. Vì Hai tui biết câu trả lời nó có trong câu hỏi rồi.

Ảnh minh họa

Nhưng hổng lẽ Hai tui để cho hội bạn già cứ lắc rồi gật như vầy, Hai tui mới nhỏ nhẹ mà trấn an “thì chuyện gì trong xã hội nó cũng có thể xảy ra mà hai ông bạn hen. Nhưng Hai tui thấy đây chỉ là hiện tượng thôi, hổng phải cốt lõi bản chất của tụi nhỏ là vậy. Thiệt thì, Hai tui có thấy giới trẻ giờ nó hổng giống mình ngày xưa, tâm lí tụi nó thay đổi lắm, khác lắm. Giờ có internet này nọ, mạng miếc tùm lum nên đôi khi bị tâm lí chung, làm mà chưa suy xét kĩ. Nhưng Hai tui thấy như vầy cũng có mặt mình nên nhìn lạc quan nghen. Đó là mình sẽ giáo dục, uốn nắn con để con nó đủ sức đề kháng, miễn nhiễm với loại virus thần tượng lây lan này. Như tụi mình cũng hay nói là con nít nó bệnh lần này thì lần sau hết bệnh vì nó có kháng thể rồi. Vậy đó hai anh”.

Tình thiệt thì muốn trấn an hai ông bạn chí cốt chứ bản thân Hai tui cũng còn lo lắng lắm. Bây giờ học tập thì chạy theo thành tích. Cha mẹ thì chạy trường chạy lớp cho con trường điểm lớp chọn, học giỏi, bằng này bằng kia, chứ kĩ năng xã hội còn thấp. Nên khi va chạm thì học sinh chưa đủ sức nhận thức được rằng đâu là giá trị cuộc sống, đâu là chuyện tầm phào tào lao.

Nghe tui nói xong, ba Thợ hồ nói chắc nịch “vậy thì Ba tui nghĩ cha mẹ cần dành thời gian, quan tâm con mình hơn nữa, hiểu con mình muốn cái gì, quan điểm có cái gì sai, có gì lệch lạc để mà còn dạy bảo, uốn nắn phải hôn anh Hai. Như cây kiểng vậy hen, uốn từ lúc còn nhỏ chứ lớn lên chắc chỉ có cha mẹ uốn theo con thôi hà. Ba Thợ hồ thấy cha mẹ mà giao con cho nhà trường, cho xã hội kiểu này chắc mất con quá. Kiếm tiền thì kiếm tiền nhưng con là tài sản vô giá, mất con kiếm sao ra. Lúc đó ân hận dữ lắm mà trễ tràng rồi anh Hai ơi”.

Mèn ơi, Ba thợ hồ tính nóng hơn Trương Phi, ăn nói bỗ bã mà nay còn nói trúng phóc như vậy thì tui nghĩ ông cha bà mẹ nào còn đang lao vào vòng xoáy kiếm tiền mà quên con mình thì phải thức tỉnh. Rồi còn nhà trường, người làm giáo dục nữa. Cần dạy cho mấy đứa nhỏ đâu là thẩm mỹ, đâu là chân giá trị. Rồi thêm xã hội, cộng đồng, báo chí, phải tuyên truyền mạnh mẽ những cá nhân ưu tú, đóng góp cho đất nước, những trí thức giỏi để tụi nhỏ học theo. Có vậy thì suy nghĩ lạc quan, hành động tích cực mới lan tỏa trong xã hội.