Kiên quyết trị bệnh “trên nói dưới không nghe”

(VOH) - Thưa bà con! Tư hưu trí vừa nhâm nhi cà phê vừa bâng quơ “ngộ thiệt, nước mình bây giờ sao lắm tặc, nào lâm tặc, cắt tặc, đá tặc, ôi thôi đủ thứ tặc, giờ lại thêm sỏi tặc.

Liệt kê nghe thì “bành ky” như thế, chứ thực ra mấy ông tặc nầy đều nằm trong sách thánh hiền cả thôi “nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Có điều là ai cũng biết mấy ông tặc nầy hoành hành, gây hậu quả khôn lường, dân tình ta thán, mà không có cách gì ngăn chặn hết.

Hai Sài Gòn cho biết: “Có đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị Định quản lý cát, sỏi bảo vệ lòng sông, bờ, bãi sông. Trong đó, ngoài giải pháp quản lý còn có các hình thức chế tài, kỷ luật người đứng đầu từ khiển trách đến cách chức nếu để ‘cát tặc” lộng hành.

trên nói dưới không nghe, cát tặc, lâm tặc, sỏi tặc

Cát tặc lộng hành tại nhiều địa phương. Ảnh minh hoạ

Có 3 hình thức kỷ luật người đứng đầu mà nặng nhất là cách chức khi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển trái phép cát sỏi lòng sông, các loại khoáng sản khác thuộc địa bàn quản lý mà gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của Thủ tướng Chính Phủ”.

Tư hưu trí nói “nghị định thông tư kiểu nầy nghe quen lắm, nhưng tui chưa thấy Chính phủ kỷ luật người đứng đầu nào không hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ. Tui xin dẫn chứng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng người làm Thủ tướng lâu nhất nước mình, trong một lần phát biểu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tự nhận chưa kỷ luật bất cứ người nào.

Tại phiên chất vấn Chính phủ Quốc hội khóa 13, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) đã hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Thủ tướng đã nhiều lần phát biểu nếu địa phương nào để mất rừng thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Trong năm vừa qua chúng ta mất rất nhiều rừng, mỗi năm mất 51.000 héc ta rừng, nhưng Thủ tướng chưa kỷ luật ai. Vậy xin hỏi khi nào Thủ tướng sẽ làm việc này?”.

Ngày ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định có nhiều lãnh đạo địa phương rất nghiêm túc, rất trách nhiệm với mệnh lệnh của cấp trên, nghị quyết của cấp trên, có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước... Ông cũng thừa nhận vẫn còn một bộ phận chưa nghiêm.

Về kỷ luật người đứng đầu địa phương Thủ tướng nói: “Xử lý kỷ luật cũng phải theo trình tự quy định của pháp luật, theo tính chất, mức độ của từng sự việc, và quy định của Đảng. Việc này Chính phủ cũng như thủ tướng  hết sức cố gắng làm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào”.

Hai Sài Gòn thừa nhận cũng có tình trạng một số lãnh đạo địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Hai Sài Gòn dẫn chứng ngày 14/10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Tăng cường công tác quản lí, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới".

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nhận thức rõ rừng là vàng. Vì vậy, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng nói: "Rừng là lá phổi, thế giới bảo vệ rừng ghê lắm, phố trong rừng, rừng trong phố, còn chúng ta phá nham nhở" và khẳng định rừng thành sức mạnh kinh tế nếu biết tổ chức quản lí tốt. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu những địa phương để phá rừng lớn phải xử lí người đứng đầu, kể cả bí thư, chủ tịch tỉnh”.

Rồi Hai Sài Gòn “bình”, đó biệt phủ Yên Bái, phá rừng ở Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, nói chung tùm lum hết gần như chỗ nào cũng có, mà có thấy vị đứng đầu địa phương nào bị gì đâu dù là khiển trách.

rừng bị chặt phá

Rừng nhiều nơi bị tàn phá nhưng không thấy lãnh đạo nào bị kỷ luật

Tư hưu trí nói bệnh “trên nói dưới không nghe” bây giờ có vẻ phổ biến, như tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, nói thẳng “Thủ tướng Chính phủ chưa nhận được báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tại các địa phương. Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Nơi nào lãnh đạo địa phương quyết liệt thì chuyển biến; nơi nào chưa quan tâm thì dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước cũng như tuần tra, kiểm soát vi phạm trật tự, an toàn giao thông”.

Tư hưu trí “túm” lại “theo suy nghĩ của tui bao giờ trị được bệnh “trên nói dưới không nghe” thì đất nước mình mới phất lên được”.