Ngành Y có thiếu nhân tài?

(VOH) - Nếu Tư Cổ Cò nhắc đến tên của nữ ca sĩ, nhạc sĩ nhạc đồng quê và là nhà từ thiện người Mỹ nổi tiếng Dolly Rebecca Parton thì Anh Hai Sài Gòn sẽ liên tưởng đến sự kiện gì gây chấn động ngành Y thế giới? Cừu Dolly! Tên ca sĩ được đặt cho con cừu, thành tựu về kỹ thuật nhân bản vô tính lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1996, nhưng mà chú Tư Cổ Cò nhắc đến chuyện nhân bản với dụng ý gì đây?

Thì Tư Cổ Cò muốn liên hệ với chuyện xứ mình. Ở Hà Nội mới đây cũng có một thành quả về nhân bản gây chấn động ngành Y. Đáng trách đó không phải là nhân bản cừu hay nghiên cứu về tế bào gốc điều trị bệnh ung thư mà là nhân bản kết quả xét nghiệm huyết học. Chuyện xảy ra ở Bệnh viện Đa Khoa huyện Hoài Đức - Hà Nội từ cách đây 1 năm và mới vừa bị báo chí phanh phui.

Chuyện này thì Hai Sài Gòn cảm thấy nó thất nhân tâm, chà đạp y đức, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội! Thử nghĩ coi! Qua 1 năm có đến cả ngàn kết quả xét nghiệm huyết học được nhân bản với bình quân một kết quả phiếu xét nghiệm được dùng cho từ 2 đến 5 bệnh nhân. Làm như vậy là làm hại bệnh nhân, vấy bẩn ngành y tế nước nhà. Chuyện này ngoài sự phẫn nộ thì chẳng có thứ gì đáng gọi là thành quả như lời của Tư Cổ Cò, nếu có chăng chỉ là ngôn từ chứa đụng nỗi chua chát đắng cay?

Đúng như vậy! Nếu đứng ở góc độ nổi tiếng, lập kỷ lục, hay “chuyện xưa nay hiếm” thì thiên hạ cũng phải giật mình. Chỉ riêng con số cả ngàn phiếu kết quả xét nghiệm được nhân bản cũng đã xứng đáng lập kỷ lục. Chưa hết, kết quả xét nghiệm giống y chang giữa cháu bé 4 tháng tuổi với cụ già 82 tuổi cũng là chuyện có một không hai trên thế giới.

Thêm chuyện lấy một phiếu xét nghiệm dùng chung cho các bệnh: Bệnh lao phổi, áp xe cạnh hậu môn, viêm ruột thừa... thì quả là tận cùng của sự nhẫn tâm. Nếu nói về liều lĩnh có lẽ chỉ duy nhất bệnh viện huyện này dám để cho một số kỹ thuật viên hợp đồng làm xét nghiệm cả những lĩnh vực chưa được học bao giờ như hóa sinh máu, nước tiểu, HIV, viêm gan B... Phương châm và tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu của cán bộ ngành Y là cứu người và cứu người. Vậy chứ sự tắc trách ở Bệnh viện Đa Khoa Hoài Đức liệu có yếu tố của tư lợi hay không?

Có những chuyện tưởng “phiếm” mà “không hề phiếm" chút nào, thưa anh Hai Sài Gòn! Nó chính là nỗi cay đắng xót xa “cười ra nước mắt”. Không ra nước mắt sao được hả anh Hai khi bà bác sĩ chủ nhiệm khoa giải thích: “Các kết quả bị trùng nhau này có thể bị những người tố cáo dán đè, sửa chữa và photocopy lại”. Nhà báo phỏng vấn Ban Giám đốc Bệnh viện với câu hỏi: Tại sao một số kỹ thuật viên ở Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức dám làm như vậy, liệu có ai ''bật đèn xanh'' cho hành động này? Câu trả lời chung của cả hai vị lãnh đạo Chánh, Phó bệnh viện là “không nắm chắc”. Về vấn đề tư lợi thì câu hỏi của anh Hai Sài Gòn đưa ra khác nào câu trả lời. Dư luận đang chờ đợi ngành chức năng làm sáng tỏ sự việc, trong đó làm rõ vai trò và có hay không sự tác động bằng vật chất của công ty cổ phần Dược Hà Tây?

Hai Sài Gòn thấy chú Tư Cổ Cò theo dõi thông tin khá kỹ, lập luận nghe cũng lọt lỗ tai, nhất là tâm trạng “cười ra nước mắt”.

Liên hệ đến nhiều sự việc đau lòng của ngành Y nước ta đã xảy ra gần đây, Hai tui trộm nghĩ: Phải chăng có một bộ phận không nhỏ cán bộ ngành Y nước ta đang có vấn đề về năng lực chuyên môn lẫn Y đức? Hết chuyện “sốc phản vệ” đến nghi vấn gây mê hồi sức ở Bệnh viện Thủ Đức khiến bé Kim Thanh tử vong, hay chẩn đoán một đàng xử lý một nẻo của một số bệnh viện đã gây ra nhiều thiệt hại cho bệnh nhân, nay lại thêm chuyện nhân bản phiếu xét nghiệm huyết học. Sai phạm dồn dập kiểu này thì ai dám bảo, dám tin nhân tài ngành Y nước ta nhiều vô kể?

Có! Tư Cổ Cò tin là như vậy! Ngành Y nước ta lắm nhân tài.

Căn cứ vào đâu mà Tư Cổ cò khẳng định?

Thì từ điểm sàn tuyển sinh đầu vào Đại học "nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa" mà ! Ngay mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh đạt 3 môn điểm 9, tức tổng cộng 27/30 điểm há chẳng phải vẫn trượt Đại học ngành Y đó sao. Đầu vào ngành Y toàn những nhân tài, vậy tại sao trong thực tiễn lại xảy ra lắm nghịch lý đến đắng lòng? Thắc mắc này có lẽ Hai Sài Gòn nên hỏi 2 vị lãnh đạo của bộ "Y"  và bộ "Học".


Khoa Xét nghiệm - BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) - Ảnh: NLĐ.