Thu phí hay thu giá?

(VOH) - Ba thợ hồ đố anh em trong bàn cà phê “Tại sao bà con mình gay gắt chuyện Bộ Giao thông Vận tải đổi tên trạm thu phí BOT thành tram thu giá BOT”?

Tư hưu trí cười khì khì “Tại ông bộ trưởng giao thông vận tải tác giả đổi từ phí sang giá không cúng chè xôi nên bị ông bà khuất mặt khuất mày quở, dẫn đến bà con bình luận bất lợi”.

Ba thợ hồ tức anh ách bởi tra từ điển chữ nghĩa nước mình không hề thấy chữ thu giá, anh chép miệng “lạ thiệt” không biết bộ trưởng tác giả thu giá nầy nghĩ thế nào mà “khai sanh” chi chữ nghĩa lộn tùng phèo thế.

Thu phí hay thu giá?

“Trạm thu giá đường bộ", các chuyên gia cho rằng tên gọi mới là vô nghĩa với tiếng Việt, thậm chí là ngô nghê.

Hai Sài Gòn thông tin rất nhiều nhà khoa bản lên tiếng phản ứng từ “thu giá” này lắm, cụ thể Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định “thu giá” là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. Ta có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân... nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê.

Tư hưu trí kể “Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng cụm từ “thu phí” và “thu giá” có ý nghĩa khác nhau hoàn toàn. Văn hóa giao tiếp của người Việt Nam từ trước đến giờ cũng không phổ cập cụm từ “thu giá”. “Thu giá” có nghĩa là giá trị biểu hiện giá trị bằng tiền, tổng thể nói chung của một mặt hàng, một sản phẩm cụ thể, dùng trong trường hợp người ta không tính đến lợi nhuận trong khoản thu. Nghĩa là chỉ thu đúng chi phí tạo nên giá thành của một sản phẩm hoặc dịch vụ mà chưa tính đến lợi nhuận. Còn “thu phí” nghĩa là khi khách hàng trả phí sẽ nhận lại được một sản phẩm, dịch vụ và bị chi phối bởi các quy định của pháp luật. Ba thợ hồ thắc mắc “rắc rối phức tạp như vậy hà cớ gì ông giao thông vận tải đẻ ra từ mới làm gì?”.

Hai Sài Gòn dẫn chứng lý do là chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Giang cho rằng có thể phần nào hiểu được đề xuất đổi tên của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, nếu quy định là phí thì trách nhiệm quản lý thuộc Bộ Tài chính. Việc thay đổi phí sẽ không linh hoạt, từ đó không thu hút được các nhà đầu tư khi tham gia dự án. Khi thay đổi thành giá, Bộ Giao thông vận tải có thể linh hoạt thay đổi giá mà không cần thông qua Bộ Tài chính, tạo cơ chế đấu thầu cạnh tranh, đàm phán được. Hay như Tiến sĩ Đinh Thế Hiển chuyên gia kinh tế cho rằng, căn cứ mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra “BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp định giá” là chưa thuyết phục. Bởi những con đường BOT hiện tại được nói đến nhiều đều là những dự án quốc gia. Với các dự án quốc gia như vậy thì điều có vai trò của Nhà nước. Việc tính toán suất đầu tư, duyệt phương thức thu phí phải liên quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài chính. Như vậy không thể gọi là hoàn toàn của doanh nghiệp. Ngoài ra, sau khi thực hiện dự án, nhà đầu tư được hoàn phí theo mức phí mà Bộ Tài chính có ý kiến để đảm bảo suất lợi nhuận hợp lý, chứ không phải siêu lợi nhuận. Do đó, nếu gọi là trạm thu giá thì không đúng bản chất.

Ba thợ hồ nghe Hai Sài Gòn dẫn chứng mà sướng rân người, anh cho là “thiệt là đã lỗ nhỉ”. Tư hưu trí nói thêm “chưa đâu còn nhiều dẫn chứng “đã điếu” nữa như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội thì việc chuyển đổi từ trạm “thu phí” sang trạm “thu giá” BOT đều có chủ đích của Bộ Giao thông Vận tải nhằm tạo thuận lợi để bộ này dễ quản lý hơn trong việc thu giá. Nói chuẩn ra thì phải gọi đây là trạm “thu phí sử dụng đường bộ". Bộ Giao thông vận tải không thể nói chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, vì Bộ không có thẩm quyền thay đổi quy định này. Việc này phải do Quốc hội quyết định vì việc “thu phí” xuất phát từ Luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua, dù có thay đổi tên gọi đi chăng nữa thì người dân vẫn phải trả tiền khi sử dụng đường bộ. Việc “thu phí” là dùng cho những dịch vụ công chứ không phải các dịch vụ thông thường đã được quy định tại Luật Phí và lệ phí. Bộ Giao thông vận tải cần phải giải thích rõ cho người dân hiểu mục đích của việc chuyển đổi tên này để tránh những phản ứng xấu từ dư luận. Ba thợ hồ nghe hai ông bạn già của mình bình luận, dẫn chứng thì rõ ràng "ông" Giao thông vận tải đẻ ra từ thu phí sang thu giá chỉ vì muốn dễ dàng cho ổng khi muốn điều chỉnh tăng hạ giá các trạm BOT mà thôi.