Thu phí hay thu giá: Lại bệnh "trên nói dưới không nghe"

(VOH) - Thẳng thắn mà nói, “thu phí” hay “thu giá” thì vẫn là thu tiền nhưng chỉ tranh cãi quanh cái tên gọi cũng là vấn đề khiến nhiều người đau đầu…

Thưa bà con! Vừa nhâm nhi cà phê Ba thợ hồ vừa than vãn “Lạ thiệt 2 ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo ai cũng kê khai là mình có bằng Tiến sĩ Giao thông đường bộ, ông thì vừa có bằng Tiến sĩ lại vừa được phong học hàm giáo sư, vậy mà lý giải chữ thu phí hay thu giá nghe trật lất, bị mấy nhà chữ nghĩa, mấy nhà luật học bắt giò cho “lắc lư con tàu đi”.

Tư hưu trí cho là anh không lạ chuyện mấy ông có học vị “bành ky” có học hàm “chà bá” mà “ăn đàng sóng nói đàng gió”, mà anh lạ là dù các nhà ngôn ngữ, các nhà luật học tới mấy ông bà nghị sĩ đều phân tích thấu đáo và cho là chữ và lý giải của ông Bộ trưởng Giao thông vận tải dùng từ thu giá thay cho thu phí là không chuẩn.

Hai Sài Gòn cung cấp thêm thông tin “thu phí hay thu giá" đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá quốc gia đề cập tại cuộc họp ngày 29/5.

Ông nói “thẳng thắn cho rằng đây là câu chuyện được nói nhiều gần đây, việc đổi tên "trạm thu phí" BOT thành "trạm thu giá" của Bộ Giao thông Vận tải chưa chuẩn xác, gây xôn xao dư luận. Thực chất ở đây là chuyển từ phí sang giá, nhưng đặt tên thế nào cho đúng, trong sáng ngôn ngữ tiếng Việt thì phải nghiên cứu”.

trạm thu phí, bot, trạm thu giá,

Các trạm thu phí được đồng loạt đổi thành "trạm thu giá" gây ra không ít ý kiến trái chiều (Ảnh: Vnexpress)

Chuyện đáng nói là dù Phó Thủ tướng Vương đình Huệ vừa “tuýt” còi chữ “thu giá” thay “thu phí “ của Bộ Giao thông Vận tải ngày 29/5, vậy mà chỉ 1 ngày sau đó tức ngày 30/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo trước Quốc hội Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Việc chuyển đổi từ cơ chế thu "học phí" sang "giá dịch vụ đào tạo" theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo. Còn "học phí" là khái niệm nghe quen tai...". 

Ba thợ hồ hỏi “Vậy chứ mấy ông bà đại biểu Quốc hội có ý kiến ý cò gì không?”

Hai Sài Gòn trả lời “mênh mông luôn”. Rồi anh tiếp tục kể đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, vừa rồi dư luận rối về "phí" và "giá". Tôi cho rằng vẫn nên gọi là "học phí", không nên đổi là "giá dịch vụ đào tạo" làm gì.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt đoàn TPHCM thừa nhận chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Vẫn gọi là "học phí" thôi, nhưng bản chất là giá, vì phải tính toán đầy đủ các chi phí đào tạo. Vấn đề quan trọng là làm sao giá dịch vụ đào tạo phải bảo đảm cho các trường hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sinh viên khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cũng đồng ý: "Giá dịch vụ đào tạo" về nội hàm thì khái niệm này rộng hơn "học phí", nhưng vẫn có thể dùng từ "học phí", vốn đã rất quen thuộc, chỉ cần định nghĩa lại cho rõ trong luật này là được.

Nước ngoài người ta cũng chỉ dùng một khái niệm là “học phí” thôi. Đại biểu Phương cho rằng, "dùng một thuật ngữ lạ tai quá thì xã hội khó chấp nhận”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình) nói "học phí" là cụm từ rất quen thuộc. Học sinh và phụ huynh khi nhắc đến đi học là nghĩ đến học phí. Đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi học phí đã tồn tại từ trước đến nay, vì cụm từ "giá dịch vụ" không hợp môi trường sư phạm, thậm chí gây khó hiểu.”

Tư hưu trí cho là từ “giá dịch vụ đào tạo” coi bộ không ổn vì Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, đa số thành viên Ủy ban tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ. Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong Dự thảo Luật.

Theo ủy ban, việc sử dụng khái niệm học phí cũng đã được quy định trong dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ Chính phủ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên “Trạm thu giá”.

Hai Sài Gòn nói đúng hay sai từ phí sang từ giá thì đã rõ, nhưng điều tui lo lắng liệu đây có phải là bệnh “trên nói dưới không nghe” hay “trên nóng dưới nóng giữa thì lạnh” thậm chí tui còn nghĩ có khi nào mấy ông nầy liên kết với nhau để “chơi chữ” không?

Tại sao vậy, vì Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới uốn nắn phí, giá của ông Giao thông Vận tải ngày 29/5 vậy mà chỉ 1 ngày sau ngày 30/5 ông Giáo dục và Đào tạo lặp lại “y chang” đổi từ “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo”.