TPHCM sẽ giảm ùn tắc giao thông khi lãnh đạo mạnh tay

(VOH) - Thưa bà con, mới vô quán cà phê, ngồi chưa nóng đít, Ba thợ hồ “tài lanh” bàn chuyện thời sự: “Lãnh đạo TP vừa họp bàn về tình hình kẹt xe, ông Bí thư Thành ủy cho là với nạn kẹt xe, những gì giải quyết được sớm, chưa cần nhiều tiền thì phải làm ngay, vì người dân đã quá bức xúc…”.

Hai Sài Gòn cho là giải pháp căn bản để thành phố hết kẹt xe, ngoài vấn đề xây cầu vượt, mở thêm đường, phân bổ lại các luồng tuyến cùng với các giải pháp khác mà chúng ta đang làm hiện nay cũng đã có những hiệu quả nhất định. Nhưng vấn đề căn bản, cốt lõi của vấn nạn kẹt xe ít tốn kém tiền bạc nhứt vẫn chưa được giải quyết thì dù có xây thêm cầu, mở thêm đường vẫn kẹt xe là vấn nạn lòng lề đường bị chiếm dụng”.

Tư hưu trí chụp ngay cơ hội nầy “nổ” liền “chuyện nầy đã kiến nghị TP mấy năm nay rồi, chuyện dễ òm chứ có khó khăn gì đâu, vấn đề là lãnh đạo TP có mạnh tay làm hay không mà thôi”.

Hai Sài Gòn “chỉnh” bạn mình: “Nè, không phải chuyện đùa, nói năng nghiêm túc dùm, bởi biết bao nhiêu nhà khoa bảng hiến kế rồi mà chuyện kẹt xe vẫn là muôn thuở”.

Tư hưu trí cố cãi cho bằng được: “Tui tuy tầm nhìn hạn hẹp, nhưng tại sao nạn kẹt xe ở TP mình nói riêng, mấy TP lớn nói chung là nan giải. Xin thưa, như Hai Sài Gòn vừa nói, là do lấn chiếm lề đường: Đây là vấn nạn nhức nhối đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa giải quyết được. Người mua bán lấn chiếm hết các vỉa hè và người đi bộ phải tràn xuống lòng đường để đi.

Tui từng kiến nghị bằng mọi cách phải giải phóng thông thoáng lề đường, hè phố. Nếu cứ để vô tư mua bán, để xe, hàng hóa trên lề đường, thì lề đường sẽ trở thành chợ tự phát trên khắp các tuyến phố. Người ta dừng đỗ vô tư để mua bán. Bất chấp người đi bộ và thậm chí có nhiều tuyến còn lấn xuống cả lòng đường để mua bán. Mà khi giải phóng triệt để lề đường hè phố và xử phạt mạnh tay việc xe đậu dừng sai quy định của thành phố, thì người sử dụng các phương tiện cá nhân sẽ cân nhắc và điều chỉnh hành vi của chính mình khi đem phương tiện tham gia giao thông trên đường phố. Đây chính là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn kẹt xe.

Nếu không thực hiện được thì dù có xây thêm cầu, mở thêm đường vẫn kẹt xe”. Ba thợ hồ vỗ đùi khen là chí phải, vấn đề tại sao các TP lớn không làm được?”.

Sau một hồi trầm ngâm Hai Sài Gòn cho là: “Suy cho cùng các vị lãnh đạo quận, huyện, phường, xã cũng bức xúc, và thấy được vấn nạn nầy, nhưng khổ nỗi là chúng ta chỉ làm “đầu voi đuôi chuột”, khi phát động thì khí thế ầm ầm, sau đó thì buông trôi xẹp lép luôn.

Tui nhớ năm 2011, TP mình ban hành Chỉ thị số 20/2011 “Về tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố”, trong đó quy định rất cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị.

Lúc đó quận huyện nào cũng đăng ký xây dựng tuyến đường điểm hết, nhưng chỉ được hơn tháng gì đó thì đâu lại vũ như cẩn, trong khi chúng ta có đủ hệ thống chính quyền các cấp, cùng nhiều ban ngành, đoàn thể đến tận cơ sở. Vậy mà chưa phát huy năng lực làm việc của bộ máy nầy. Lý do tại sao như thế?

Hai Sài Gòn lý giải thắc mắc của Tư hưu trí “Tại vì có vị nào liên quan đến vấn nạn chiếm dụng lòng lề đường bị cách chức. Theo tui, chỉ cần mạnh tay từ 2 tuần tới 1 tháng, tình hình kẹt xe sẽ giảm hẳn khi Lãnh đạo TP ra “tối hậu thư” cho các giám đốc sở, bí thư, chủ tịch UBND 24 quận, huyện thời hạn 30 ngày phải làm cho lề đường, vỉa hè thông thoáng 24/24.

Vị nào làm không được sẽ sắp xếp bố trí công việc khác. Từ đó, lãnh đạo Sở ngành, Quận, huyện sợ mất chức phải xắn tay áo nhảy vào vừa làm vừa ra tối hậu thư cho cấp phường, xã phải triệt để lập lại trật trự lòng lề đường. Anh nào, cơ quan nào không làm được thì bố trí đi nơi khác, để phần việc anh không làm được cho người khác làm, thế thôi.

Nói chung là phải có giải pháp chế tài. Tình hình nầy chúng ta không thể chỉ đạo chung chung được. Ba thợ hồ khoái chí khen Hai Sài Gòn và Tư hưu trí là “Chí phải”.