Xét tuyển đại học, bỏ điểm sàn - chủ trương quá trễ

(VOH) - Từ hồi đầu năm học tụi con chạy đôn chạy đáo đi học thêm để chuẩn bị thi cho tốt, giờ thì con chẳng biết chuyện học hành thi cử ra sao nữa…

Nghe nội dung bài viết

Quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế hiện nay.

Hôm qua, Hai Sài Gòn ghé thăm đứa cháu ruột, chưa kịp uống ly nước thì đứa con gái lớn của nó, là học sinh đang học lớp 12 “dí” ông Hai: Ông ơi, tại sao hồi đầu năm học, thầy cô con nói chưa biết chắc năm nay thi tốt nghiệp PTTH theo cách nào, môn nào thi trắc nghiệm, môn nào thi mở, hỏi chuyện xét tuyển vào đại học thế nào, thầy cô đều nói có lẽ cũng như các năm trước 2 trong 1, tức là lấy điểm trung bình cấp 3 hoặc lớp 12 cộng với điểm thi tốt nghiệp rồi các trường xét.

Đùng một cái ngày 16/12, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ra thông báo bỏ điểm sàn khi xét tuyển đại học, tụi con hỏi thì thầy cô trả lời rằng chưa rõ. Từ hồi đầu năm học tụi con chạy đôn chạy đáo đi học thêm để chuẩn bị thi cho tốt, giờ thì con chẳng biết chuyện học hành thi cử ra sao nữa…

Vợ chồng đứa cháu mong mỏi Bộ GD-ĐT cần chủ động thông tin thi cử, nếu không có tầm nhìn chiến lược 5 hay 10 năm thì ít nhất cũng nên thông tin từ đầu năm học, chứ như năm nay cả nhà 5 người lo lắng cho một người, "oải quá". Hai Sài Gòn đành cười: Thì ông cũng như thầy cô con, thôi, chưa biết thực hư ra sao. Nói là nói vậy chứ Hai Sài Gòn biết chủ trương đổi mới trong công tác xét tuyển đại học năm 2017.

Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thì, lý do để các trường đại học xét tuyển vì quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Việc cho thí sinh xác định nguyện vọng vào đại học sau khi có kết quả thi, đó là một bước tiến lớn trong quá trình đổi mới tuyển sinh. Năm 2017, thí sinh đăng ký nguyện vọng ngay từ khi bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi, sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian Bộ quy định. Thực chất là thí sinh được xác định nguyện vọng sau khi có kết quả thi nhằm giảm bớt rủi ro khi chọn không đúng trường phù hợp với điểm thi của mình. Việc cho thí sinh đăng ký nguyện vọng trước thi giúp các trường có thời gian hoàn thành cơ sở dữ liệu. Thí sinh cũng có thời gian dài để tính toán, cân nhắc để khi có kết quả thi thì điều chỉnh cho phù hợp. Việc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng cũng giúp các em trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích, vào những trường có tính cạnh tranh khác nhau…

 Cả cha và mẹ của cô nữ sinh lớp 12 bày tỏ không hài lòng ở chỗ, Bộ GD-ĐT đề ra chủ trương bỏ điểm sàn khi xét tuyển Đại học quá trễ, đáng lý việc nầy phải được công khai rõ ràng ngay từ đầu năm học, tới giờ này mới thông báo làm cho học sinh và phụ huynh lo lắng, không còn thời gian để tính toán chuyện học hành của con cái mình”.

Hai Sài Gòn đồng tình với sự âu lo chính đáng của học sinh và cha mẹ học sinh, đây cũng là mối bận tâm của một số nhà quản lý giáo dục, chẳng hạn PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Đại học sư Phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, bỏ điểm sàn sẽ xảy ra tình trạng các trường tuyển sinh đại học tràn lan, vượt chỉ tiêu. Lúc đó, tuyển sinh chất lượng đầu vào thấp, cùng với chương trình giảng dạy của trường nếu không đảm bảo, sẽ dẫn đến đầu ra yếu kém.

Khi thí sinh không đạt được chuẩn ở mức sàn ,vào đại học sẽ không thể theo nổi. Sinh viên ra trường kém chất lượng, doanh nghiệp chê, thì thất nghiệp. Nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn và gánh nặng cho xã hội. Trước đây, những em trên điểm sàn vào đại học, dưới điểm này vào các trường Cao đẳng, trường nghề. Nay nhiều em không đạt điểm sàn cũng cố gắng vào một trường đại học nào đó lấy điểm thấp, không muốn vào học nghề nữa, vậy thì chất lượng giáo dục sẽ đi về đâu.

Tuy nhiên, PGS TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, quy định xét tuyển các trường phải công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện kiểm định chất lượng, công khai tình hình sinh viên ra trường có việc làm đối với từng ngành đào tạo… điều này buộc các trường không thể tuyển sinh bằng mọi giá được. Khi Bộ không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thì các trường sẽ hết sức cân nhắc để quyết định ngưỡng này sao cho hợp lý.

Chắc chắn sẽ không có trường nào hạ thấp điểm chuẩn để thu hút thí sinh. Vì rằng ai cũng biết chất lượng đào tạo mới là yếu tố thu hút thí sinh, giúp nhà trường tồn tại lâu dài.Trong những năm vừa qua, cả xã hội cũng đã nhìn rõ hơn bức tranh thị trường giáo dục đại học và thị trường việc làm, thí sinh và phụ huynh cũng được tư vấn khá tốt qua nhiều kênh. Ngay cả khi Bộ còn giữ điểm sàn, nhưng vẫn luôn có một số lượng lớn thí sinh có điểm trên sàn đã quyết định không chọn con đường học đại học, hoặc ít ra là không chọn những trường không có uy tín về chất lượng…

Đứa cháu Hai Sài Gòn nghi ngờ: Không nói các trường đại học vốn có uy tín lâu đời, hiện nay rất nhiều tỉnh, thành phố, bộ ngành TW "đẻ" ra cả trăm trường đại học, cao đẳng, hầu hết thiếu giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy, đó chính là nguyên nhân sâu xa làm chất lượng giáo dục cấp đại học xuống cấp, năm nay mấy trường này xét tuyển không cần điểm sàn, thí sinh vào đó sẽ ra sao?

Hai Sài Gòn trấn an cháu mình: Vấn đề không ở chỗ điểm sàn đầu vào mà chính là chất lượng đào tạo đầu ra, trường nào đào tạo kém thì bị tẩy chay. Quy luật thị trường mà.