Đảm bảo an ninh cho du khách thập phương về dự Lễ khai ấn Đền Trần

(VOH) - Cho đến hôm nay, Ban tổ chức Lễ Khai ấn Đền Trần đã chuẩn bị xong các điều kiện, xây dựng xong các phương án cả về nghi lễ lẫn các biện pháp tổ chức an ninh.

Nhiều năm nay, lễ khai ấn Đền Trần không còn là hoạt động mang tính chất riêng lẻ của tỉnh Nam Định mà trở thành sự kiện văn hoá có quy mô lớn, thu hút người dân khách khắp các tỉnh thành trên cả nước. Năm nay, lễ Khai ấn Đền Trần sẽ bắt đầu từ ngày 11 - 16 tháng Giêng, tức là ngày 01 - 06/3/2015 tại Phủ Thiên Trường xưa (nay là Khu di tích Đền Trần, thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định). Đây là vùng đất được xem là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần và được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long. Chính vì ý nghĩa lịch sử, nhân văn đó mà Lễ hội Khai ấn Đền Trần hằng năm thu hút hàng trăm ngàn người dân và du khách đến tham dự.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những hoạt động xung quanh lễ hội này, phóng viên Đài TNND TPHCM có cuộc phỏng vấn bà Cao Thị Tính, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng Ban tổ chức lễ Khai ấn Đền Trần năm nay.

Lễ khai ấn Đền Trần (TP Nam Định) Ảnh: daidoanket.vn

* Thưa bà, lễ Khai ấn Đền Trần năm nay được thành phố Nam Định tổ chức với quy mô như thế nào, có nét gì đặc biệt?

Bà Cao Thị Tính: Năm nay, lễ Khai ấn Đền Trần diễn ra vào ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Khai ấn Đền Trần có một nét mới so với trước, TP Nam Định tổ chức phục dựng thêm một lễ hội mới nữa đó là lễ Rước kiệu Ngọc Lộ vào sáng ngày 11 tháng Giêng. Chính vì vậy, dần theo từng năm, thành phố sẽ bổ sung và tổ chức thêm các nghi lễ truyền thống để lễ hội được phong phú hơn.

* Lễ hội chính của Khai ấn Đền Trần sẽ có những nội dung nào thưa bà?

Bà Cao Thị Tính: Lễ Khai ấn Đền Trần được tổ chức trong thời gian từ ngày 11 tháng Giêng đến hết ngày 16 tháng Giêng. Nội dung chính gồm, trong ngày 11 tháng Giêng tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ từ 7g30 - 8g00 để thực hiện nghi lễ tại chùa Phổ Minh. Từ 8g - 9g rước kiệu Ngọc Lộ từ chùa Phổ Minh sang Đền Trần. Từ 9g - 9g30 thực hiện nghi lễ ở Đền Thiên Trường. Ngày 12 tháng giêng chúng tôi sẽ tổ chức lễ Rước nước tế cá. Lễ rước nước tế cá này được thực hiện từ năm 2014. Chúng tôi sẽ chính thức tổ chức khai ấn vào đêm ngày 14 tháng Giêng. Ngày 15, tổ chức hồi kiệu ấn. Và 7g sáng chúng tôi sẽ tổ chức phát ấn vào ngày 15 tháng Giêng. Trong các ngày 13, 14, 15 chúng tôi sẽ tổ chức thêm các hoạt động về phần hội để nhân dân đến chiêm ngưỡng và cùng hoà vào dòng hội của ngày hội khai ấn.

* Lễ phát ấn được tỉnh tổ chức như thế nào, số lượng bao nhiêu và dự kiến công tác tổ chức, an ninh được thực hiện ra sao thưa bà?

Bà Cao Thị Tính: Công tác phát ấn, 3 năm qua khi thực hiện đề án của Bộ VHTTDL, chúng tôi đã bắt đầu chuyển thời gian tổ chức phát ấn vào lúc 7g sáng ngày 15 tháng Giêng. Lượng ấn phụ thuộc vào nhà Đền các cụ làm cho nên cũng không ấn định được mỗi một năm người ta sẽ phát khoảng bao nhiêu. Việc phát ấn sẽ diễn ra từ ngày 15 tháng Giêng đến hết ngày 20 tháng Giêng. Quy mô phát ấn, như thông lệ hàng năm, việc phát ấn sẽ diễn ra ở 3 địa điểm: Nhà giải vũ của Đền Thiên Trường, Nhà trưng bày ở Cung trùng hoa và Nhà giải vũ ở Đền Cố Trạch. Có hơn 20 bàn phát ấn được bố trí ở 3 nhà giải vũ cho nên lượng ấn phát ra sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhân dân về dự lễ trong thời gian diễn ra lễ hội.

* Thưa bà, cho đến hôm nay công tác chuẩn bị và tổ chức được địa phương tiến hành tới đâu?

Bà Cao Thị Tính: Cho đến hôm nay, Ban tổ chức Lễ Khai ấn Đền Trần đã chuẩn bị xong các điều kiện, xây dựng xong các phương án cả về nghi lễ lẫn các biện pháp tổ chức an ninh. Chúng tôi xây dựng được 4 tiểu ban: Nghi lễ, an ninh, hậu cần và tuyên truyền.

* Vấn đề an toàn và an ninh cho du khách được thực hiện ra sao?

Bà Cao Thị Tính: Toàn bộ phương án an ninh được thực hiện trong các ngày cao điểm từ ngày 11 - đến hết ngày 16 tháng Giêng, tập trung cao lực lượng công tác an ninh, bao gồm lực lượng chính quy công an tỉnh, công an thành phố và lực lượng an ninh của phường Lộc Vượng. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với lực lượng an ninh quốc phòng, dân quân ở địa phương để đảm bảo an ninh cho du khách thập phương về dự lễ hội. 

* Đầu năm nay, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 41 của Ban bí thư về quản lý tổ chức lễ hội, tránh hình thức, phô trương gây lãng phí, vậy Ban tổ chức lễ Khai ấn Đền Trần năm nay sẽ thực hiện điều này như thế nào để làm đúng tinh thần của công điện Thủ tướng vừa ban hành?

Bà Cao Thị Tính: Thực hiện công điện của Thủ tướng vừa ban hành, chúng tôi tổ chức lễ hội này đảm bảo tiết kiệm, không hề phô trương hay hình thức. Ở đây chúng tôi tổ chức theo lễ hội truyền thống, do người dân địa phương thực hiện nghi lễ. Còn toàn bộ việc đảm bảo an ninh trật tự, UBND Thành phố Nam Định chỉ đạo các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân trong suốt thời gian diễn ra lễ hội này.

* Nam Định dự kiến, với công tác tuyên truyền, quảng bá và sự quan tâm của truyền thông lẫn công chúng trong thời gian gần đây, vậy thì, địa phương dự kiến sẽ đón được bao nhiêu du khách trong dịp này và việc bố trí phòng ốc, chất lượng được quản lý ra sao?

Bà Cao Thị Tính: Năm nay, lễ hội diễn ra không rơi vào ngày nghỉ mà rơi vào ngày làm việc thế nên, chúng tôi dự đoán khách thập phương về sẽ hạn chế hơn. Như mọi năm rơi vào ngày lễ thì tương đối đông trên 10 vạn người, còn năm nay trong ngày thường thì du khách sẽ ít hơn, độ khoảng 7-8 vạn người. Hiện nay, để việc đón du khách có nhu cầu nghỉ lại ở địa phương, chúng tôi đã thông báo đến tất cả các nhà nghỉ, khách sạn ở địa phương, đặc biệt năm nay, chúng tôi bố trí thêm một khu ở Làng sinh viên. Nếu du khách có nhu cầu, tôi cũng có thể mời về làng học sinh siên để nghỉ lại cũng rất tiện lợi.

* Xin cảm ơn bà.