Bài 1: Chọn ngành, chọn trường sao cho đúng ?

(VOH) - Mùa tuyển sinh 2018 đã thật sự khởi động với hàng loạt các hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp từ các đơn vị, tổ chức, nhà trường với nhiều nội dung đa dạng phong phú.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 1/4/2018, thí sinh đăng ký hồ sơ dự thi trung học phổ thông quốc gia và đăng ký xét tuyển năm 2018.

Từ lúc này, thí sinh phải bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Tiêu chí lựa chọn ngành nghề nào là đúng đắn, học gì để khỏi thất nghiệp… là những băn khoăn, trăn trở của hầu hết thí sinh trong thời điểm hiện tại.

Chia sẻ của một số học sinh lớp 12 trên địa bàn TP do VOH ghi nhận

>>> Em quan tâm về việc trường em đăng ký vào điểm xét tuyển cao quá nên em sợ khả năng của mình không đạt được.

>>> Em dự định thi vào trường đại học về ngành Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng. Em mới nghĩ đến gần đây thôi, còn thích hay không là chuyện khác nữa.

>>> Em cũng không tiếp xúc và hiểu rõ về ngành lắm nên chỉ chọn ngành dựa vào những môn mình thích. Ví dụ những môn tự nhiên Toán, Lý thì nhắm vào những ngành học có Toán, Lý. 

 

Chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018

Rất nhiều thí sinh băn khăn trong việc chọn trường phù hợp khả năng - Ảnh minh họa

Thậm chí, trong số những học sinh lớp 12 trường chuyên mà chúng tôi tiếp xúc, có nhiều em nghĩ đơn giản, việc chọn ngành chỉ cần tương ứng với môn học thật xuất sắc của mình trong trường phổ thông.

Việc lựa chọn ngành học theo cảm tính như vậy rất dễ khiến thí sinh bị hụt hẫng trong quá trình học và khi nhận ra sai lầm trong chọn ngành nghề của mình thì đã quá muộn. Bởi việc học giỏi một môn nào đó chỉ là điều kiện cần trong việc chọn ngành, chứ không đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ giỏi với ngành nghề tương ứng môn học đó trong tương lai.

Chọn ngành theo thế mạnh

Dưới góc độ tâm lý, diễn giả Lại Thế Luyện, Giám đốc đào tạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Đào tạo Hiệu quả cho rằng, rất khó để trả lời câu hỏi chọn nghề như thế nào là phù hợp bởi chúng ta chọn là chọn một ngành trong hiện tại nhưng tương lai mới biết là nó có phù hợp hay không.

Vì vậy, đó là một quyết định khó khăn và nhiều trăn trở.

Ông Luyện cũng chỉ ra những lỗi nên tránh: “Đừng chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn hay của bất cứ ai khác, cũng đừng chọn theo sự rủ rê của bạn bè hay người yêu, cũng không chọn theo sự may rủi.

Thí sinh không nên chọn những nghề có bề nổi, tưởng dễ kiếm tiền. Các em cũng không nên chọn những nghề theo kiểu quá gấp rút, muốn thành công ngay mà không có sự kiên nhẫn học hỏi.

Hãy chọn nghề phù hợp với thế mạnh của bản thân thì chúng ta mới có thể phát huy được khả năng của mình trong nghề đó”.

Để tránh những ngộ nhận trong chọn ngành, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, việc chọn ngành học đúng khả năng của thí sinh rất quan trọng.

Tốc độ thay đổi ngành nghề đang rất nhanh

Với tốc độ thay đổi ngành nghề lớn như hiện tại, nếu người học không chọn hướng đúng ở một nhóm ngành nào đó, nó sẽ không giúp cho họ phát huy khả năng sáng tạo trong tương lai và cũng không đủ sức theo đuổi ngành nghề đó một cách lâu dài.

Do đó, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, đây là một vấn đề nghiêm túc:

“Nếu gia đình nào đầu tư tốt hơn nữa thì phải dùng tất cả phương pháp, công cụ như trắc nghiệm tâm lý, tham vấn từ chuyên gia tâm lý, chuyên gia ngành nghề. Nên có những bài kiểm tra về sinh trắc não.

Chúng ta bỏ tiền và công sức trong hiện tại để giúp cho tương lai của các em. Nhưng thông thường, phụ huynh không nghĩ đến những chuyện đó mà cứ nghĩ con mình học giỏi là tốt”.

Trong bối cảnh thị trường lao động chuyển động không ngừng, những khái niệm về ngành – nghề “hot” dường như đã không còn phù hợp, đặc biệt khi luân chuyển việc làm trong khối ASEAN.

Môi trường đào tạo dù ở trình độ nào từ đại học, cao đẳng hay trung cấp, sơ cấp cũng đòi hỏi chính người học mới là nhân tố quyết định thành công. Những tố chất vượt trội trong lĩnh vực nào đó – hay còn gọi là tố chất nghề nghiệp trở thành giá trị cốt lõi quyết định sự tồn tại trong thị trường lao động.

Do đó, việc chọn các trình độ đào tạo đã không quá quan trọng mà quan trọng hơn chính là thái độ học tập người học, thái độ đối với nghề mình chọn sẽ trao cho chúng ta một cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Đó chính là tư duy mới trong nhận thức về nghề nghiệp mà thí sinh, phụ huynh cần hướng đến.