Bạo lực học đường - Phòng hơn là chống

(VOH) - Bạo lực học đường là vấn đề không mới trong xã hội Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của internet, sự tiếp tay của mạng xã hội, mức độ nghiêm trọng của hiện trạng này bị đẩy lên cao và trở thành một thực trạng đáng báo động.

Phải chăng học sinh ngày nay thiếu kiềm chế hơn, kỹ năng ứng xử kém hơn, hay do nhà trường vẫn chưa theo kịp sự chuyển biến của xã hội?

Mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường hiện bị đẩy lên cao và trở thành một thực trạng đáng báo động

Mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường hiện bị đẩy lên cao và trở thành một thực trạng đáng báo động. Ảnh minh họa: internet

Thống kê trong năm học 2017-2018, ngành công an ghi nhận hơn 2.000 vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, trong đó hơn 53% vụ xảy ra trong nhà trường. Như vậy, có hơn 1.000 vụ bạo lực xảy ra trong trường học trong năm học vừa qua. Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ ngành giáo dục đào tạo cả nước gửi về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo con số chỉ là vài trăm vụ.

Trong quý 1/2019, thống kê từ ngành công an đã có 310 vụ bạo lực học đường diễn ra tại các trường học trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đặc biệt, từ cuối tháng 3 đến nay hàng loạt vụ học sinh đánh nhau với mức độ nghiêm trọng đã diễn ra trên nhiều tỉnh thành như Hưng Yên, Nghệ An và mới đây là Quảng Ninh. Điều này cho thấy, tình trạng bạo lực học đường như một tảng băng chìm vẫn còn tiềm ẩn và có sức công phá lớn đối với môi trường trường học. Đặc biệt, tình trạng này càng trở nên phức tạp lại thông qua sự lan toả của mạng xã hội.

Phản ảnh về tình trạng bạo lực học đường, một số học sinh lớp 12 nêu ý kiến:

"Bạo lực học đường hiện tại đang chuyển từ bạo lực thể chất sang bạo lực tinh thần. Một số bạn thiếu những kỹ năng giao tiếp cơ bản khiến mình trở nên khó coi trong mắt người khác. Theo em, những hiện tượng này xảy ra rất phổ biến".

Hay "Tình trạng này hiện phổ biến hơn những thời kỳ trước. Em thấy thời trước đa phần là những bạo hành về thể chất, bây giờ thì thiên hướng về tinh thần hơn. Không chỉ trong trường lớp mà còn trong những môi trường mạng xã hội. Sau đó, từ bạo lực tinh thần lại dẫn đến hẹn gặp nhau ở đâu đó và đánh nhau, thì lại chuyển thành bạo lực thể chất".

Đáng nói là, những vụ bạo lực học đường, điển hình như vụ 5 em học sinh lớp 9, lột quần áo và đánh đập bạn một cách dã man, dù diễn ra trong lớp học, nhưng sự việc chỉ được phát hiện không phải từ nhà trường, giáo viên hay gia đình mà chính từ mạng xã hội. Câu hỏi đặt ra, liệu nhà trường đã làm tốt công tác quản lý của mình, giáo viên có thực sự đủ quan tâm để phát hiện hiện ngăn chặn kịp thời các vụ việc.

Nhà trường che giấu...vì thành tích

Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an, trong một tọa đàm về bạo lực học đường mới đây cho rằng: "Bài học nhãn tiền từ vụ bạo lực ở Hưng Yên đã cho  thấy một vấn đề, chính là sự che giấu thông tin vì thành tích, thi đua của nhà trường, nên thầy cô đã ém thông tin. Đó là một hệ luỵ rất nguy hiểm cần loại bỏ".

Thực tế, trong môi trường học đường, những mâu thuẫn va chạm giữa học sinh với nhau không phải là chuyện hiếm. Chính vì vậy, một số người làm công tác giáo dục chủ quan cho rằng những mâu thuẫn đó chỉ là chuyện trẻ con, và sẽ nhanh chóng qua đi. Cũng chính từ sự chủ quan này không ít vụ việc đánh nhau đã không được ngăn chặn hay phát hiện kịp thời. Một quản lý trường tiểu học cũng từng mang suy nghĩ rằng lứa tuổi tiểu học các hành vi chọc ghẹo, trêu đùa thậm chí xô đẩy nhau là những việc rất đỗi bình thường, chẳng có bạo lực học đường trong trường học của mình cho đến khi người hiệu trưởng này nhận được bức tâm thư từ một học sinh lớp 4. Trong thư em chia sẻ tình trạng bị tẩy chay, bắt nạt, đe dọa, chê bai, miệt thị... ngay trong chính lớp học của mình và ý định muốn trốn chạy tất cả. Người hiệu trưởng mới nhận ra rằng bạo lực có thể diễn ra bất cứ nơi đâu, bất kỳ lứa tuổi nào nếu các em không được hướng dẫn, chia sẻ và quan tâm một cách thấu đáo. Vậy là, hộp thư "Thư gửi cô hiệu trưởng" chính thức ra đời và cũng từ đó, người quản lý này có thêm kênh thông tin để chia sẻ và hỗ trợ học sinh mình kịp thời hơn.

Cùng chung quan điểm phải xây dựng ngôi trường trở thành một nơi an toàn, thông qua việc luôn kịp thời nắm bắt tâm tư cũng như những thay đổi của học sinh. Ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lạc Hồng, Quận 10 cho rằng: "Phải biết các khu vực dễ xảy ra bạo lực học đường ví dụ: nhà vệ sinh, hội trường, căn tin, bờ rào,... những nơi trống trải, ít người và đưa ra các biện pháp để quản lý các khu vực đó. Nhà quản lý phải nắm vững diễn biến tâm sinh lý của các em và không được bỏ ra bất cứ điều gì diễn ra với học sinh. Các thầy cô giáo chủ nhiệm phải có trách nhiệm lớn khi các cháu có những sự cố, diễn biến tâm lý sinh lý trạng thái phe nhóm, phải giải quyết triệt để".

Phải có chương trình phòng chống bạo lực trong trường học

Theo Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam- Phần Lan, bạo lực học đường là vấn đề có tính chất toàn cầu, ở cả nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên, khác với nhà trường ở Việt Nam, các trường học ở các quốc gia này đều có chương trình phòng chống bạo lực nhằm ngăn chặn giải quyết tình trạng này. Cụ thể, ở trường trung học cơ sở của vương quốc Anh luôn dành góc tuyên truyền về tình trạng bạo lực học đường. Trên đó, có hình ảnh, thông tin liên lạc của những thành viên đại sứ phòng chống bạo lực học đường. Đây là những kênh mà học sinh bị bạo lực hoặc gây ra bạo lực có thể tiếp cận thông tin, chia sẻ về tình trạng của mình. Những đại sứ này còn có nhiệm vụ thu thập, nắm bắt thông tin cũng như tuyên truyền, cứu trợ nạn nhân bị rơi vào tình trạng bạo lực. Các trường học ở Mỹ, lại có những chương trình can thiệp toàn trường học thông qua thư khảo sát học sinh và phụ huynh để rà soát, sàng lọc, đánh giá trình trạng bạo lực học đường trên toàn trường. Ngoài ra, các trường còn thành lập những tổ hỗ trợ trong đó gồm ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh và các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, căn bản của việc phòng ngừa bạo lực học đường ở các nước vẫn là chương trình can thiệp toàn trường học qua việc tạo ra những môi trường học tập tích cực. "Nhiều hoạt động giáo dục học sinh, không phải chỉ liên quan dạy học sinh bắt nạt là gì, bạo lực là gì, phòng tránh như thế nào ...Quan trọng hơn, gốc rễ, họ dạy cho học sinh về sự hợp tác, kiểm soát cảm xúc, giải quyết xung đột, cách giao tiếp với nhau, cách kết bạn, gây ảnh hưởng một cách phù hợp. Như vậy mới mang lại hiệu quả giáo dục lâu dài", Tiến sĩ Huyền cho biết.

Thực tế nhà trường là một xã hội thu nhỏ. Chính vì vậy, những chuyển biến tích cực lẫn tiêu cực ở mức độ nào đó cũng sẽ thẩm thấu vào môi trường học đường. Trách nhiệm của những nhà làm giáo dục là hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội, cũng như trang bị cho các em bộ lọc cá nhân và những kỹ năng cần thiết để đối mặt tốt nhất với những tiêu cực xã hội, trong đó có tình trạng bạo lực.