Cần bổ sung mảng tài chính vào Luật Giáo dục Đại học

(VOH) - Dự án Luật Giáo dục Đại học hiện vẫn còn thiếu mảng tài chính. Trong khi trên thế giới để phát triển đại học, mảng tài chính trong đó tín dụng cho sinh viên rất được xem trọng.

Vấn đề này được đại biểu đưa ra tại Hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức vào sáng 21/9.

Giáo sư Phạm Phụ, Trường đại học Bách Khoa, phát biểu.

Tại hội thảo, Giáo sư Phạm Phụ, Trường đại học Bách Khoa TPHCM, cho rằng Luật Giáo dục Đại học hiện mất cân đối về mảng tài chính. Nếu không khai thác tốt mảng này, giáo dục đại học Việt Nam sẽ không thể đuổi kịp thế giới. Hiện, bình quân mức đầu tư cho mỗi sinh viên trên thế giới tương đương GDP bình quân thu nhập đầu người của quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam mức đầu tư này rất thấp. Các nước trên thế giới đã giải quyết vấn đề này bằng cách phát triển quỹ tín dụng sinh viên, tăng tỷ lệ đại học tư thục. Sinh viên có thể vay tiền đi học đến 10- 20 năm sau trả dần.

“Ngân sách hiện nay không thể tăng cho giáo dục. Dành 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục như hiện nay là rất lớn. Mảng tài chính quy định trong Luật Giáo dục Đại học hết sức quan trọng nhưng lại gần như không có gì. Trong khi đây là điều kiện tiên quyết để cải cách giáo dục đại học. Các mảng khác thì lại quá chi tiết. Dự án luật sửa đổi này mất cân đối", Giáo sư Phạm Phụ phát biểu.

Bên cạnh đó, Giáo sư Phạm Phụ cũng cho rằng với các quy định hiện nay rất khó cho việc phát triển các trường đại học tư thục. Ở Việt Nam chưa có hình thức tặng, cho các trường đại học, nên chưa có trường đại học không vì lợi nhuận. Phần lớn nhà đầu tư vào trường đại học là vì lợi nhuận. Sự không rõ ràng trong khái niệm nên nhiều người không dám đầu tư vào giáo dục đại học. Dẫn đến mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 40% sinh viên vào học các trường tư thục, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở mức 15%. Trong khi đó, ở Nhật, Hàn Quốc 80-90% là trường đại học tự thục, Indonesia dù phát triển sau cũng đã có 40% là đại học tư thục.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng trong các điều sửa đổi luật Giáo dục Đại học cũng đã quy định ngân sách phân bổ và miễn giảm thuế cho tín dụng sinh viên. Bà Phụng cho rằng hướng dần đến tự chủ đại học thì các chế tài, quy định càng phải nghiêm. Bà lý giải: “Nếu như ở nước ngoài, trường phi lợi nhuận hoàn toàn là sự hiến tặng của các nhà đầu tư cho cộng đồng xã hội và trở thành sở hữu cộng đồng. Còn ở đây chúng ta vẫn gọi đó là trường tư thục mà hoạt động không vì lợi nhuận. Có nghĩa rằng về mặt sở hữu trường vẫn sở hữu các nhà đầu tư, chỉ có điều tài sản ăn nên làm ra, chênh lệch giữa thu chi thì hoàn toàn để lại xây dựng trường chứ không chia lãi cho các nhà đầu tư".