"Chúng ta nghĩ đến những việc lớn nhưng cũng không thể quên những việc nhỏ"

 (VOH) - Chiều 11/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự phiên đối thoại tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.

Trả lời các câu hỏi được các sinh viên đặt ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam luôn nhấn mạnh mỗi bạn trẻ phải luôn có tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên trong từng việc làm, hành động cụ thể, từ đó góp phần lan toả những giá trị tốt đẹp, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, giàu lên, xây dựng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự phiên đối thoại tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.

Phó Thủ tướng chia sẻ với mong muốn các sinh viên là có thêm nhiều chính sách hỗ trợ học bổng toàn phần để “giữ chân” các sinh viên giỏi, ưu tú không đi học theo học bổng của các trường đại học nước ngoài. Hiện cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên như cho vay tín dụng, các quỹ học bổng trong trường đại học cũng như của các đoàn thể, tổ chức xã hội… Về lâu dài, chính sách học bổng thu hút sinh viên giỏi, ưu tú sẽ giúp các trường đại học ở Việt nam nâng cao uy tín.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngay cả khi đi học, làm việc ở nước ngoài thì cũng có nhiều cách để các sinh viên giỏi có thể cống hiến cho đất nước. Mới đây nhất, một mạng lưới quy tụ các trí thức, nhà khoa học trẻ của Việt Nam trên toàn thế giới đã được thiết lập để đóng góp về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển của đất nước; nghiên cứu khoa học; đào tạo theo yêu cầu; chuyển giao tri thức...

Trả lời về ý kiến đề nghị công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc biết ngoại ngữ là rất quan trọng cho học tập và công việc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Hiến pháp năm 2013 có quy định ngôn ngữ chính của nước Việt Nam là tiếng Việt và các dân tộc ít người khác có quyền dùng ngôn ngữ của mình. Do vậy ngôn ngữ chính thức của Việt Nam là tiếng Việt, không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba.

Trả lời câu hỏi về triết lý giáo dục Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khái niệm về triết lý nói chung và triết lý giáo dục nói riêng nhận được nhiều sự tranh luận giữa các nhà khoa học cũng như trong xã hội.

“Nhiều người tìm hiểu triết lý giáo dục ở một số nước có nền giáo dục phát triển được khai quát bằng một số từ nhưng khi nghiên cứu sâu hơn thì không rõ căn cứ pháp lý. Vì vậy, không nên hiểu đơn giản là dùng một số từ để khái quát triết lý của một nền giáo dục”, Phó Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh nền giáo dục Việt Nam cũng có đầy đủ nguyên tắc, quan điểm, mục tiêu và có thể cô đọng ở mức độ nhất định. Nhưng thay vì tranh luận, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi sinh viên, giảng viên hãy thực hiện tốt các quy định, chế độ, chính sách về giáo dục để học tập, giảng dạy thật tốt theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến về vấn đề triết lý giáo dục trong quá trình biên soạn Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung.

Trả lời câu hỏi về Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” và việc kết nối, chia sẻ trao đổi thông tin cho sinh viên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong thời đại khoa học công nghệ páht triển mạnh mẽ như hiện nay, điều quan trọng là phải xoá mù tri thức bằng công nghệ, đây cũng là ý tưởng của Hệ tri thức Việt số hoá.

Mục tiêu đặt ra là quy tụ mọi nguồn dữ liệu đang nằm rải rác ở khắp nơi để tạo thành “kho dữ liệu lớn”, được hệ thống hoá, phân loại xác thực, xử lý bằng trí tuệ nhân tạo. Tiếp đó với sự phổ cập Internet qua thiết bị thông minh cá nhân, sẽ trợ giúp trực tiếp cho việc học tập của từng người dân ở mọi lúc, mọi nơi.

Trên thực tế, việc triển khai Hệ tri thức Việt số hoá đa ng đạt được những tiến bộ tích cực, đặc biệt trong các phân hệ về giáo dục, sức khoẻ, du lịch với một số ứng dụng chuẩn bị được ra mắt.

Đối với các bạn sinh viên, sự đóng góp cho hệ tri thức này trước hết chính là từ những kinh nghiệm, những câu hỏi đặt ra trong quá trình học tập hàng ngày. “Nguyên tắc của tri thức là câu trả lời nằm trong câu hỏi. Khi có 1 triệu người đặt một câu hỏi thì sẽ có chuyên gia trả lời, thậm chí sẽ là xuất phát điểm cho những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Ví dụ thứ hai được Phó Thủ tướng đưa ra là sự tham gia của các bạn sinh viên cùng với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thí điểm phát triển bản đồ số hoá của Việt Nam tại một số địa phương chi tiết hơn nhiều so với nhiều bản đồ số thông dụng hiện nay. Đây là hướng đi rất khả thi để xây dựng một bản đồ số chi tiết đến từng con phố, số nhà, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

“Tôi mong rằng các bạn sinh viên là những người của tri thức hãy sử dụng thời gian trên mạng có ích, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao dân trí, phổ biến tri thức đáp ứng yêu cầu của thời đại mới”, Phó Thủ tướng nói.

Sau phần hỏi của các đại biểu sinh viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra nhiều câu về việc chọn trường, ngành nghề; nghiên cứu khoa học, làm thêm, tham gia các pong trào tình nguyện đến việc nhỏ như không vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông hay giữ vệ sinh trường, lớp, giảng đường...

Câu hỏi cuối cùng được Phó Thủ tướng nêu ra là nếu ở vị trí lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành thì các đại biểu sinh viên mong muốn điều gì ở sinh viên Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhắn nhủ: Tất cả những công trình to lớn, những thành phố đều được xây nên từ những viên gạch nhỏ. Chúng ta nghĩ đến những việc lớn nhưng cũng không thể quên những việc nhỏ.

“Nếu từng sinh viên nghiêm túc, trung thực với chính mình trong học tập, thi cử, sinh hoạt hàng ngày và những giá trị đấy được lan toả thì những vấn đề được đặt ra cho các bộ ngành sẽ được giải quyết. Chúng ta cùng làm tốt nhiều việc nhỏ, cộng lại sẽ thành lớn, cả xã hội sẽ tốt. Các bạn trẻ nghĩ lớn, hoài bão lớn nhưng hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ", Phó Thủ tướng nói.