Cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT: Nữ giáo viên tiểu học đạt giải nhất

(VOH) - Dạy học không chỉ bằng tri thức mà còn bằng cả cái tâm...

Đó chính là cách giáo viên trẻ Võ Thị Như Nhi, trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm khơi gợi sự ham thích học hỏi, am hiểu tri thức văn hoá dân tộc đồng thời giữ gìn sự trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ cho học sinh.

Cũng từ cách tiếp cận này nữ giáo viên trẻ đã chinh phục ban giám khảo cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin với dự án đạt giải nhất "Cho em tuổi thơ".

Dự án dạy học của nữ giáo viên tiểu học

Giáo viên trẻ Võ Thị Như Nhi (áo xanh) cùng 2 giáo viên đạt giải Nhất hạng mục dạy học theo dự án tại vòng chung kết cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT. Ảnh: GD&TĐ

Đi dạy được hơn 5 năm, giáo viên Võ Thị Như Nhi, nhận thấy một thực tế là trẻ em ngày càng lệ thuộc vào các thiết bị di động, thông minh, mà lại thờ ơ với những giá trị văn hoá dân tộc. Một phần do hoàn cảnh xã hội, một phần do cha mẹ bận rộn với công việc, nên học sinh ở những khu vực thành thị như TPHCM lại càng không biết đến kho tàng kiến thức phong phú từ các trò chơi dân gian. Chương trình tiếng Việt ở bậc tiểu học có rất nhiều bài học liên quan đến các hoạt động này, nhưng việc học chủ yếu thông qua sách vở nên các em chưa thực sự hiểu rõ và chưa có nhiều cơ hội để trải nghiệm. Từ đó, giáo viên Võ Thị Như Nhi quyết định thực hiện đổi mới việc dạy học bằng dự án "Cho em tuổi thơ" với mong muốn học sinh ngoài có được tri thức còn tìm thấy tuổi thơ thật sự của mình.

Học sinh Ngô Thanh Bình, lớp 5/7 trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 năm học 2017-2018, là một thành viên tham gia, cho biết về lợi ích của dự án học tập: "Vì con là lớp 5, những bài học từ lớp 1 đến lớp 5 nhắc đến rất nhiều các trò chơi dân gian, nhưng con không hiểu được các trò chơi dân gian ấy, cũng như là cách chơi nên không thể nắm bắt bài học một cách nhanh chóng. Sau dự án này, chúng con biết thêm nhiều trò chơi, qua đó nắm rõ được bài học và có thể học bài một cách nhanh nhất".

Thực hiện dự án học tập, 48 học sinh lớp 2 và lớp 5, cùng tham gia vào 6 nhóm với 6 nhiệm vụ, phân vai khác nhau. Từ việc sắm vai nhà nghiên cứu tìm hiểu quá trình hình thành của trò chơi dân gian, đến việc xây dựng bộ câu hỏi, khảo sát và thống kê, rồi phỏng vấn các bạn, giáo viên, phụ huynh và người nước ngoài về tình hình chơi trò chơi dân gian ở trường cũng như ở nhà. Các em còn sưu tầm và tạo ra một số đồ chơi phục vụ cho các trò chơi dân gian, trang trí các họa tiết chủ đề về trò chơi dân gian lên áo dài, áo thun, nón lá, thiết kế thiệp Tết, bao lì xì, cũng như thiết kế poster và tạo cả trang facebook cho dự án. Phân công nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung là học sinh là đều hào hứng, chủ động tìm hiểu về trò chơi dân gian, cũng như tạo ra những sản phẩm vừa mang giá trị văn hoá lại đậm dấu ấn cá nhân. Với lứa tuổi tiểu học, những phần việc các em làm được, thực sự mang  đến nhiều bất ngờ và hơn cả những gì mong đợi.

Giáo viên Võ Thị Như Nhi, cho hay: "Lúc đầu rất là lo. Tại vì cũng có tìm hiểu rất nhiều dự án nhưng ở tiểu học thì khá ít, chủ yếu ở THCS và THPT. Nhưng khi cho các con thảo luận nhóm với nhau, ví dụ như nhóm thiết kế nhí, của học sinh lớp 2, thì các con tự phân chia ra. Các con rất thích vẽ và vẽ rất đẹp, nên các con tự chọn, ví dụ trang trí trên áo dài, trên nón lá. Các con tự thảo luận với nhau và thực hiện sản phẩm của mình. Cô cũng rất bất ngờ khi các sản phẩm của các con rất dễ thương".

Dự án được thực hiện dựa trên nội dung bài học môn tiếng Việt nhưng nhờ thay đổi hình thức tổ chức hoạt động nên vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức lẫn trải nghiệm thực tiễn. Thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ của dự án dạy học "Cho em tuổi thơ", học sinh hiểu biết nhiều hơn những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, những giá trị truyền thống. Quá trình tìm hiểu và trải nghiệm các trò chơi như năm - mười, banh đũa, cướp cờ… còn giúp các em thành thục hơn các phép tính cộng trừ, nhân chia, rèn luyện kỹ năng tính toán logic. Các em cũng vận động thể lực nhiều hơn, am hiểu hơn về các phần mềm ứng dụng thông qua những yêu cầu, những kiến thức tích hợp vào trong dự án.

Học sinh Lê Đỗ Anh Duy, trưởng nhóm phóng viên nhí của dự án, cho biết vẫn không thể quên lần gặp Nhà thơ Trần Quốc Toàn. Cuộc gặp mặt đã cho em thêm hiểu biết về các trò chơi dân gian, ý nghĩa những câu ca dao tục ngữ liên quan trò chơi đó: "Con còn có thể học được những điều hay như học cách giao tiếp, kỹ năng thuyết trình ... Nói chung là rất nhiều kỹ năng. Các trò chơi dân gian còn rèn luyện cho chúng ta về sức khoẻ, trí tuệ, cho chúng em học được sự đoàn kết, yêu thương nhau và hợp tác nhóm".

Từ những hiệu quả, lợi ích của dự án học tập "Cho em tuổi thơ", trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã triển khai mô hình ra toàn trường. Tận dụng những góc sân trong khuôn viên trường, lớp học, các góc vẽ tranh, góc trò chơi, những bài hát đồng dao... trở thành những địa điểm, những giai điệu thân quen với học sinh toàn trường. Hoạt động vui chơi phong phú, bổ ích, kiến thức văn hoá các vùng miền được mở rộng, các thao tác, phản xạ nhanh nhạy hơn... lả những lợi ích mang lại thông qua các góc vui chơi này.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, rất ủng hộ những hoạt động đổi mới sáng tạo của giáo viên, đồng thời đánh giá cao giáo viên Võ Thị Như Nhi, người hướng dẫn các em thực hiện dự án học tập "Cho em tuổi thơ": "Cô rất tích cực và năng động sáng tạo. Không quảng ngại khó khăn để tìm tòi phát triển hơn các hoạt động của mình trong các hội thi. Chính vì tinh thần đó, trong quá trình giảng dạy trong lớp, cô được sự tín nhiệm của phụ huynh và học sinh cực kỳ yêu mến trong việc tổ chức rất nhiều hoạt động. Cô hỗ trợ đồng nghiệp của mình trong các hoạt động phong trào của khối, chịu khó lắng nghe học hỏi từ các thầy cô có tuổi, có kinh nghiệm hơn cũng như phát huy sức trẻ của mình trong việc hỗ trợ các thầy cô trong hoạt động của trường, của lớp".

Từ những bất cập trong thực tế cũng như chương trình học, nữ giáo viên trẻ đã dùng sức trẻ, nhiệt huyết của mình mang đến cho học sinh những bài học thật hữu ích. Hào hứng, sôi nổi, nhưng hiệu quả của dự án dạy học lại đến với các em một cách nhẹ nhàng, sâu sắc. Dự án học tập như một lời giải cho bài toán cân bằng giữa áp lực học tập và việc gìn giữ tuổi thơ cho học sinh, mà những ai quan tâm đến thế hệ trẻ đều mong đợi.