Đổi mới chương trình cần đổi mới từ chính giáo viên

(VOH) - Chương trình phổ thông mới dự kiến sẽ áp dụng từ năm học 2020-2021.

Chương trình được chờ đợi, kỳ vọng mang đến sự đổi mới toàn diện phù hợp với yêu cầu xu hướng của nền giáo dục hội nhập. Tuy nhiên, để chương trình thực sự phát huy được hiệu quả, năng lực, sự chủ động thích ứng của đội ngũ giáo viên là một yếu tố then chốt.

Gần 10 năm đứng trên bục giảng, giáo viên trẻ Dương Thị Thanh Tâm, trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, vẫn tâm huyết với cách dạy học sáng tạo. Trước mỗi bài giảng, cô giáo trẻ vẫn tìm kiếm cập nhật thông tin mới, cần thiết cho bài học, môn học của mình. Tuy nhiên, người giáo viên vẫn cảm nhận sự yêu thích và tập trung học tập môn Hoá của học sinh giảm dần qua các năm. Cụ thể, số học sinh chọn học ban thi có môn Hoá giảm rõ rệt, như lớp 10 năm ngoái có 5/15 lớp, thì năm học này chỉ còn 4 lớp chọn học ban thi có môn Hoá học.

Nguyên nhân do lượng kiến thức nặng nề, yêu cầu kiến thức khá nhiều nên giáo viên đa phần tập trung giảng dạy lý thuyết mà không còn nhiều thời gian cho học sinh thực hành thí nghiệm hoặc trải nghiệm sáng tạo. Vì vậy, khi có thông tin sẽ triển khai chương trình giáo dục mới với những đặc điểm như tập trung vào năng lực, phẩm chất của học sinh, giảm bớt tính khoa học hàn lâm để tăng cường đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, cô giáo trẻ một mặt vừa hào hứng, mong đợi, một mặt vừa băn khoăn, lo lắng cho những thay đổi mà người giáo viên phải đáp ứng, đối mặt.

"Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, vào đầu lớp 10, học sinh đã được giảm số môn, học sinh sẽ chọn học môn tự nhiên hay môn xã hội. Khi chọn tự nhiên các em sẽ học Lý-Hoá-Sinh, mà không học các môn xã hội. Ngược lại khi chọn các môn xã hội thì không học Lý-Hoá-Sinh. Điều đó có nghĩa, nhu cầu đối với các giáo viên bộ môn sẽ giảm. Có thể giáo viên đứng trước nguy cơ bị cắt giảm biên chế do nhu cầu không còn nhiều", cô Thanh Tâm cho biết.

Nghiên cứu tại Mỹ, quốc gia cứ khoảng 15 năm sẽ có sự phát triển điều chỉnh chương trình giáo dục, cảm xúc của giáo viên sẽ bị tụt giảm trong khoảng 5 đến 7 năm đầu áp dụng. Sau khoảng thời gian này, cảm xúc của người dạy mới tăng dần lên.

Với một đất nước có nền giáo dục phát triển như Hoa Kỳ, vậy mà sự đáp ứng của giáo viên đối với chương trình mới cũng cần một thời gian chuyển biến. Vì vậy, khi thực hiện đổi mới chương trình, sự chuyển đổi trong nhận thức và cảm xúc của giáo viên đóng vai trò rất quan trọng, có khi lại là một trở ngại lớn cần phải vượt qua.

Trong khi, đội ngũ giáo viên với những khuôn mẫu truyền thống về người thầy, một mặt mang đến những giá trị về uy tín, tín nhiệm xã hội nhưng cũng trở thành rào cản cho sự đổi mới, đặc biệt ở đội ngũ giáo viên lớn tuổi, với bề dày kinh nghiệm giảng dạy hiệu quả theo lối dạy học trước đây.

Chương trình thay đổi theo những định hướng mục tiêu giáo dục mới hướng đến hình thành năng lực, phẩm chất, giúp học sinh tự khám phá kiến thức, đòi hỏi người giáo viên phải thay đổi toàn bộ hoạt động giảng dạy của mình, từ hệ thống thuật ngữ theo chuẩn quốc tế, đến công tác tổ chức các hoạt động trải nghiệm để lĩnh hội được kiến thức. Giáo viên không chỉ dạy học trong 4 bức tường lớp học mà phải chủ động kết nối các địa chỉ, thiết kế bài giảng, phương pháp giảng dạy, với vai trò như một "tổng đạo diễn" cho tiết học, tổ chức tốt hoạt động trải nghiệm học tập của học sinh.

Học sinh Quận 8 trong tiết học trải nghiệm môn Vật Lý - Ảnh minh họa

Cô Bùi My Thúy, giáo viên Trường trung học phổ thông Gia Định, Hội đồng bộ môn Lịch Sử, Sở giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng giáo viên phải tìm tòi thiết kế lại bài cho phù hợp. Phương pháp mới, địa điểm, nơi nào đó để có thể triển khai được mục tiêu hoạt động của chuyên đề bài dạy. Vì vậy đòi hỏi giáo viên phải năng động và sáng tạo thì mới phù hợp được với phương pháp mới. Ví dụ dạy sinh học, giáo viên phài liên hệ với khu trồng rau sạch ở Củ Chi hay đâu đó thì mới dẫn học sinh đến. Tham quan, chứng kiến tận mắt, học sinh mới thấy bài hay. Ví dụ giảng dạy về truyền thống dân tộc thì phải đi xem hàng loạt bảo tàng của thành phố xem cái nào phù hợp với chủ đề đang dạy. Phải năng động, tìm tòi.  

Thực tế, từ sau giải phóng đến nay, hầu như nước ta chỉ có một chương trình duy nhất. Còn lại, chỉ là những điều chỉnh, cập nhật, sửa đổi cho phù hợp hơn với tình hình phát triển. Vì vậy, chương trình phổ thông mới lần này là một sự thay đổi toàn điện cả về quan điểm định hướng. Trong đó, chương trình được xây dựng dựa trên phân tích bối cảnh thời đại trong 5, 10 năm tới, nguồn nhân lực, nhu cầu phát triển đất nước. Từ đó, mới xác định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực của học sinh.

Vì vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Bá Vũ, Ban phát triển chương trình Giáo dục phổ thông mới - Trưởng khoa Hoá học Trường Đại học Sư Phạm TPHCM, với chương trình mới, người giáo viên một mặt phải am hiểu chuyên môn, một mặt phải có kiến thức về kinh tế xã hội và được chủ động trong công tác tổ chức hoạt động giáo dục của chính mình. 

"Hiện nay, hầu hết giáo viên đang chờ đợi sách giáo khoa để đổi mới giảng dạy là một quan niệm sai lầm. Nhiệm vụ của giáo viên là soạn một sách giáo khoa cho chính mình để giảng dạy vì sẽ không có bộ sách giáo khoa nào ràng buộc các thầy cô trong thời gian sắp tới. Mỗi người giáo viên phải thể hiện hết năng lực của mình, vận dụng hết khả năng của mình. Với vấn đề đó, để đạt được mục tiêu này thầy cô có thể áp dụng bất kỳ phương pháp giáo dục nào để đạt được", PSG. TS. Bá Vũ cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết quá trình đổi mới phương pháp dạy học mà ngành nỗ lực thực hiện trong thời gian qua cũng đang tiệm cận dần với các mục tiêu của chương trình mới. Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới, sắp tới, giáo viên cần được tập huấn cụ thể hơn và ứng dụng  vào thực tiễn hoạt động giáo dục.

"Với yêu cầu dạy học định hướng phát triển năng lực, rèn luyện phẩm chất thì phải thay đổi cách dạy. Tức là, giáo viên phải xây dựng lại kế hoạch dạy học trong đó, học sinh phải là người tham gia ngay từ đầu, chủ động cùng xây dựng bài học. Vì năng lực - phẩm chất không thể hình thành qua một buổi lắng nghe lý thuyết suông, mà các em phải động não, suy nghĩ, tiếp cận với chuẩn kiến thức mới. Thầy cô phải có kế hoạch chuẩn bị bài giảng khác trước đây. Muôn phát triển năng lực phẩm chất, phải xây dựng các công đoạn cho học sinh tham gia", ông Hiếu cho biết thêm. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới với mong đợi sẽ mang đến sự thay đổi mạnh mẽ chất lượng dạy học, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thế hệ trẻ năng động, tự tin với đầy đủ năng lực phẩm chất để hội nhập. Có thể thấy, trong từng bước xây dựng, hình thành chương trình đều có sự đóng góp tích cực từ các tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, quyết định sự thành công của chương trình chính là sự nỗ lực chủ động sáng tạo, làm chủ mỗi tiết học, giờ học của mỗi giáo viên.