Giáo viên chủ nhiệm đội ngũ quan trọng trong thành công của chương trình giáo dục mới

(VOH) - Giáo viên chủ nhiệm là yếu tố quan trọng trong giáo dục, hình thành nhân cách học sinh. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ, cơ chế chính sách cho đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức.

Đó là chia sẻ của nhiều ý kiến tại Hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề "Người giáo viên chủ nhiệm với chương trình giáo dục phổ thông mới" do trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM tổ chức sáng nay, 12/5.

Sản phẩm của hoạt động giáo dục trong nhà trường là nhân cách học sinh, bao gồm giá trị sống và kỹ năng được hình thành. Trong đó, vai trò, nhiệm vụ của  người giáo viên chủ nhiệm trong trường phổ thông rất quan trọng, đôi khi quá sức với năng lực và chuyên môn của các thầy cô.

Giáo viên chủ nhiệm vừa phải là một nhà quản lý, một chuyên gia tâm lý, vừa là người dạy học. Các giáo viên này phải chịu áp lực trước hiệu trưởng, đồng thời chịu tác động mạnh mẽ từ phía phụ huynh học sinh.

Cô Nguyễn Kim Anh, Khối trưởng chủ nhiệm khối 11, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội, cho rằng:"Gia đình có điều kiện có thể thuê 11 giáo viên giỏi nhất các môn mà con đang học, nhưng ko thể thuê được một giáo viên chủ nhiệm ở đâu dù bao nhiêu tiền.Giáo viên chủ nhiệm quan trọng giúp quá trinh hình thành nhân cách học sinh rất nhiều".

Trong khi đó, nhiều trường đại học sư phạm trong cả nước gần như không có nội dung đào tạo về công tác chủ nhiệm mà chỉ lồng ghép vào nội dung môn giáo dục học.

Ông  Phạm Văn Tuyển, Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hương Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế phản ánh "ở trường Sư phạm chúng ta chưa chú trọng nội dung này. Tại sao không có chương trình nội dung cụ thể cho vấn đề chủ nhiệm? Vì vậy đến khi giáo viên ra trường công tác, họ chỉ tập trung vào chuyên môn. Đó là hệ quả tất yếu.

Còn công tác chủ nhiệm, những người nào có khả năng, nắm bắt kịp thời, học hỏi được thì xử lý được, làm tốt. Những người còn lại  họ không được trang bị căn cơ chắc chắn không hoàn thành tốt. Chúng ta phải đào tạo ngay từ trường đại học, có chương trình nội dung, điểm số cụ thể trong lĩnh vực này"

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế phát triển, quy mô gia đình ít con, đạo đức xã hội có dấu hiệu xuống cấp, không ít tệ nạn tìm cách len lỏi vào nhà trường, các đại biểu cho rằng công tác chủ nhiệm đòi hỏi những phương pháp giáo dục thay thế hiệu quả hơn những hình thức trừng phạt.

Ngoài ra, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm là hoạt động chính thức bắt buộc xuyên suốt các cấp học, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng để thực hiện tốt hoạt động này. Tiến sĩ Phạm Đình Văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng giáo viên chủ nhiệm cần phải tuyên truyền để phụ huynh học sinh nhận thức vai trò cũng như phối hợp tổ chức tốt hoạt động trải nghiệm.

Theo ông Văn, một đặc điểm của hoạt động trải nghiệm là tính cá nhân. Học sinh chỉ có được kinh nghiệm khi trực tiếp tham gia vào hoạt động với thái độ tích cực chủ động, phát huy hết tinh thần khả năng nội lực của mình, trong sự tương tác với nhóm và các lực lượng khác. Vai trò của người giáo viên chủ nhiệm không phải là người làm thay học trò, mà là người định hướng, chia sẻ, cố vấn, chỉ đạo, tổ chức và đánh giá.

Các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh việc nâng cao cái tâm cái tầm của người giáo viên chủ nhiệm,  nhà nước và ngành giáo dục cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách cũng như quan tâm hơn đến đội ngũ này.