Hội đồng trường – cần cơ cấu hợp lý

(VOH) - Chiều 13/4, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức Hội thảo “Góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”.

Tại hội thảo này, vấn đề cơ cấu thành viên Hội đồng trường trong các Trường Đại học công lập sao cho hợp lý đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong ngành.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chủ yếu sửa đổi, bổ sung nội dung về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, tập trung vào các quy định về tổ chức, hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học,… nhằm giúp cơ sở phát huy nội lực trong tự chủ, linh hoạt, sáng tạo...

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào Trường Nông lâm TPHCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TNO

Nội dung được nhiều đại biểu đặt vấn đề là quy định liên quan đến quản trị Đại học với Hội đồng trường trong các trường Đại học công lập. Các ý kiến cho rằng, dự Luật chỉ quy định số thành viên tối thiểu của Hội đồng trường là chưa đủ, cần cân nhắc bổ sung con số tối đa để đảm bảo hoạt động hiệu quả của hội đồng.

Bà Đoàn Thị Phương Diệp, Đại học Kinh tế Luật nêu ý kiến: "Liên quan đến thành viên Hội đồng trường, tôi cho rằng quy định hiện nay chưa rõ ràng tinh thần mà  sẽ gây hiểu nhầm trong xã hội. Đó là Hội đồng trường đóng vai trò gì?

Thật ra, hiện nay Hội đồng trường và Hội đồng quản trị trong các trường tư thục có vai trò gần giống nhau, là vai trò đối trọng với bộ máy quản lý trong trường đại học. Tiếng nói đối trọng đó sẽ giúp bộ máy quản lý vận hành tốt hơn. Nên càng giảm tỷ lệ người trong bộ máy quản lý trong Hội đồng trường thì cơ chế đó sẽ hoạt động hiệu quả hơn".

Về phần mình, ông Nguyễn Tấn Phát, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng cần quan tâm đến đại diện sở hữu nhà nước trong thành viên Hội đồng trường, đồng thời làm rõ khái niệm về các bên có lợi ích liên quan: "Các trường Đại học công lập được thành lập là tài sản của nhà nước. Bây giờ trường tự chủ, vậy thì ai là đại diện cho sở hữu nhà nước trong hội đồng trường đó? Ngoài ra, cũng cần làm rõ cụm từ các bên có lợi ích liên quan.

Đại học, giáo dục là phi lợi nhuận, vậy thì lợi ích gì có liên quan ở đây? Lợi ích hay là quyền lợi? Quyền lợi của người dạy, người học, người ủng hộ cho sự phát triển của trường, cho giáo dục. Cách dùng từ lợi ích có liên quan ở đây có vẻ không ổn lắm"

Ngoài ra, cách sử dụng các cụm từ “đại học quốc gia”, “chủ sở hữu”, “thành viên góp vốn”, “đầu tư vốn”,… chưa thống nhất cũng được các đại biểu chỉ ra và đề xuất điều chỉnh. Ông Trần Quốc Trí – Sở Tư pháp đặt vấn đề: "Chúng tôi nhận thấy rằng thuật ngữ quốc gia thông thường thể hiện tính chất quan trọng của cơ sở hoặc tầm vóc ở cấp cả nước.

Trong khi thực tế cho thấy, định nghĩa Đại học quốc gia thực chất cũng chỉ là 1 trường đa lĩnh vực mà thôi. Do đó, chúng tôi nhận thấy có thể cân nhắc nghiên cứu để xem xét sửa đổi thuật ngữ này thành Đại học tổng hợp, liên ngành hoặc đa năng gì đó"

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV tới đây.