Trường tư có thể đào tạo ngành sự phạm, ngành mầm non?

(VOH) - Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dự thảo lần này đã có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt, thế nhưng vẫn còn một số bất cập cần điều chỉnh, nhất là liên quan đến quy định Hội đồng trường.

Chiều 21/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Hiệu trưởng có trước hay Hội đồng trường có trước?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dự thảo lần này đã có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt, thế nhưng vẫn còn một số bất cập cần điều chỉnh, nhất là liên quan đến quy định Hội đồng trường, quyền hạn của Hội đồng trường, cơ chế giám sát ra sao để đem lại hiệu quả. 

Chia sẻ về một số điểm sửa đổi liên quan đến Hội đồng trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho hay, Hội đồng trường sẽ thực hiện khá nhiều quyền mà cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan chủ quản hiện nay đang thực hiện. Ví dụ như quy định về tiêu chuẩn của bộ máy lãnh đạo, cơ cấu tổ chức, đặc biệt là về hiệu trưởng sẽ do hội đồng trường quyết định, và các tiêu chuẩn về giảng viên cũng sẽ do hội đồng trường quyết định.

Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết qua quy định đó và các quy chế tổ chức hoạt động quy chế tài chính, hay nói cách khác là cụ thể hóa các văn bản pháp luật cho hoạt động của từng trường sẽ do Hội đồng trường quy định. Hội đồng trường sẽ là cơ quan có thẩm quyền chi phối đến tất cả các hoạt động của trường Đại học. Đây là chế định quan trọng nhất. Nếu như hướng này được ban hành, thì dần dần sẽ xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh nội dung về vai trò của Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong trường đại học hiện nay. Bên cạnh việc làm rõ quyền hạn của hội đồng trường và hiệu trưởng, có đại biểu cho rằng cần tăng cường chức năng của bộ phận giám sát trong trường đại học để đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động.

Góp ý về Điều 16 về Hội đồng trường của trường đại học công lập, Hội đồng trường có quyền quyết định nhân sự Hiệu trưởng, đánh giá hiệu quả hoạt động của hiệu trưởng hàng năm...Tiến sĩ Ngô Văn Thuyên - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, quyền được chọn Hiệu trưởng của Hội đồng trường thật sự rất ít, vì bị ràng buộc nhiều quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề Hội đồng trường - đó là được chọn Hiệu trưởng giống như cơ chế Hội đồng trường của các trường đại học nước ngoài, thì không nên kỳ vọng vào tổ chức này quá nhiều.

Tiến sĩ Ngô Văn Thuyên nêu thắc mắc: “Mình bầu Hội đồng trường trước: Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên là thành viên đương nhiên. Nhưng chúng ta phải có quyết định Hội đồng trường thì Hội đồng đó mới hoạt động. Vậy Hội đồng trường mình bầu trước, đương nhiên có hiệu trưởng trong đó. Vậy hiệu trưởng có trước hay Hội đồng trường có trước?”

Tiến sĩ Lưu Tiến Hiệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Hoa Sen góp ý tại Hội nghị

Tiến sĩ Lưu Tiến Hiệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Hoa Sen góp ý tại Hội nghị

Trường tư có thể đào tạo ngành sự phạm, ngành mầm non?

Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ đại học một lần nữa cũng được các đại biểu đề cập. Vấn đề tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường đại học được quy định ở Điều 32 của Dự thảo Luật. Các ý kiến cho rằng cần có cơ chế thoáng hơn về mặt quản trị đại học để giúp các trường có được quyền tự chủ thực sự. Tiến sĩ Lưu Tiến Hiệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Hoa Sen nếu vấn đề, tại sao hiện nay chúng ta quy định đào tạo mầm non, đào tạo sư phạm thuộc các trường công lập.   

“Muốn trường công – trường tư như nhau thì tại sao không thể tin tưởng cho các trường tư có thể đào tạo cả ngành sư phạm, ngành mầm non. Vì đây là tự chủ đại học, hơn nữa đây là cạnh tranh. Nếu các trường đào tạo dở, sinh viên ra trường kiếm việc không được, chưa chắc trường công đào tạo sư phạm giỏi như trường tư” - Tiến sĩ Lưu Tiến Hiệp nói. 

Trong khi đó, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Lình, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Cần Thơ – là một trong 23 trường được thí điểm cơ chế tự chủ, cũng đưa ra nhận định, trong toàn bộ các mục ở điều 32 quy định về vấn đề tự chủ - trách nhiệm giải trình của trường đại học đều ghi kèm sau đó là theo các quy định pháp luật hiện hành – như vậy các trường đại học không thể có được tự chủ như các trường mong muốn được.