Khi người học “né” nghiên cứu! (bài 1)

(VOH) - Với tâm lý quen thuộc, đi học, ra trường, kiếm một công việc ổn định. Một nguyên nhân quan trọng hơn, đó chính là tư duy đề tài của sinh viên hiện nay còn hạn chế.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, kế hoạch đổi mới nghiên cứu khoa học với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, đã và đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai.

Nhiều sinh viên e ngại nghiên cứu khoa học là vấn đề cao siêu, to tát nên tự dựng rào cản cho mình và chấp nhận dừng lại, khi chưa thật sự bắt tay nghiên cứu. Ảnh minh họa: tintm

Nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu khoa học của sinh viên nói riêng, vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học trong trường đại học, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước. Vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tại giảng đường hiện nay ra sao. Hoạt động này chỉ dừng ở mức độ phong trào hay cần được đẩy mạnh trở thành một trong nhiệm vụ của sinh viên, tại môi trường đại học.

Với nhiều trường đại học hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên mang tính tự nguyện, dựa trên đam mê, sở thích của người học đối với một đề tài nào đó, ở chuyên ngành mà mình đang theo học. Với tâm lý quen thuộc, đi học, ra trường, kiếm một công việc ổn định. Một nguyên nhân quan trọng hơn, đó chính là tư duy đề tài của sinh viên hiện nay còn hạn chế. Hầu hết đều loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, đề tài này người khác đã thực hiện hay chưa….Mặt khác, nhiều người e ngại nghiên cứu khoa học là vấn đề cao siêu, to tát nên tự dựng rào cản cho mình và chấp nhận dừng lại, khi chưa thật sự bắt tay nghiên cứu. Phạm Duy và Hùng Anh, đều là sinh viên năm cuối đại học, bày tỏ:

“Họ ít mặn mà, vì việc nghiên cứu khoa học đó còn mang tính chất cá nhân quá. Thứ hai là tâm lý từ bé rồi, đó là tâm lý thụ động, chỉ nghĩ là học cho xong chứ không nghĩ đến việc học sao để ứng dụng”

“Việc nghiên cứu khoa học nó cũng phụ thuộc vào cá nhân mỗi sinh viên. Bởi vì hiện nay đã có nhiều thành tựu khoa học, nên sinh viên thụ động không nghĩ ra ý tưởng mới hoặc dựa trên những ý tưởng đã có để hình thành nên những ý tưởng mới mà nó cải tiến một chút”

Theo giảng viên Trần Thị Quế Nguyệt, Trường Đại học Bách Khoa, không phải sinh viên nào cũng thích nghiên cứu khoa học. Sinh viên thường theo xu hướng làm về công nghệ, Website, Mobile App…mà quên đi những bài toán về nghiên cứu khoa học, bài toán về lý thuyết, bài toán trong tương lai:Thành ra, cùng thời gian 1 năm làm luận văn, sinh viên thường thích làm đề tài mà sau khi xong luận văn các bạn có thể xin việc dễ dàng. Còn những đề tài như nghiên cứu về bảo mật, Big Data, trí tuệ nhân tạo…thật sự nhu cầu của doanh nghiệp bên ngoài rất hiếm. Nó nhiều nhưng lại không dành cho sinh viên mới tốt nghiệp”

Dù chưa có bất kỳ số liệu thống kê chính thức nào, nhưng con số sinh viên có tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học chỉ dao động khoảng 10 – 20%. Bằng cách này cách khác, họ thường “né” làm đề tài nghiên cứu. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay, trường khuyến khích sinh viên tham gia viết các bài báo khoa học. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên đều định hướng ra trường đi làm, nên họ không làm luận văn tốt nghiệp, thay vào đó là tham gia một số môn, đồ án, hoặc thực hành thực tập mang tính chất thay thế:“Ngay bản thân những khối công nghệ, khoảng 10 – 15% sinh viên theo hướng nghiên cứu. Khi bắt đầu áp dụng theo hình thức đào tạo tín chỉ, có vấn đề là các môn thay thế cho luận án, luận văn tốt nghiệp, thì các em thường chọn theo hướng các môn thay thế. Vấn đề đam mê nghiên cứu khoa học không phải sinh viên nào cũng muốn. Thực sự, chỉ em nào giỏi hoặc có thích thú thật sự mới nghiên cứu thôi”

Tốn kém thời gian, chưa biết nghiên cứu khoa học đem lại kết quả gì, tốn kém chi phí để đầu tư phục vụ cho đề tài, thiếu giảng viên hướng dẫn, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ để tiếp cận các bài báo khoa học quốc tế...danh sách những rào cản của sinh viên đối với nghiên cứu sẽ còn được liệt kê dài thêm, nếu như chính bản thân họ không tự vượt qua nó. Võ Nguyễn Vũ Toàn, sinh viên năm 4 lớp Chất lượng cao Khoa Quản trị, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, vừa đạt giải 3 sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2018 - một trong ba đề tài viết hoàn toàn bằng tiếng Anh trong cuộc thi này, cho biết: Đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến quảng cáo di động – từ đó ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng tại TP”, các thành viên trong nhóm trao đổi, tìm kiếm phải mất đến hai tháng trời chỉ để quyết định chọn ý tưởng nào để nghiên cứu. Nhóm phải tìm hiểu và lên mạng đọc tất cả các tài liệu nước ngoài có liên quan, rồi mới chọn một mô hình phù hợp với đối tượng sinh viên: “Những kiến thức như về quảng cáo di động thì hiện tại kiến thức sách vở chưa cập nhật đủ. Một là em phải đi làm để kiếm thêm kiến thức, hoặc em nghiên cứu tìm hiểu. Nghiên cứu nó là các căn cứ khoa học nên rất rõ ràng, dễ dàng cho em vận dụng vô thực tế sau này có thể đi làm được. Thêm nữa, khi thực hiện nghiên cứu thì em học được thêm một số kỹ năng nữa, chẳng hạn mình phải đọc các bài báo khoa học rất nhiều, các số liệu nghiên cứu. Sau đó, tổng hợp và viết lại thành bài của riêng mình. Nó sẽ dễ dàng hơn cho em khi sau này muốn học lên thạc sĩ, vì mình đã được làm quen từ khi sinh viên”.

Nghiên cứu khoa học thật sự là một công việc khó. Ở mỗi đề tài, việc phải làm đi làm lại, thử tới thử lui rất nhiều lần, trước khi đến với thành công khiến cho sinh viên nản, không cảm thấy thú vị và không thấy hấp dẫn với vấn đề này. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Thanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo doanh nghiệp, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, điều quan trọng là phải truyền được đam mê nghiên cứu cho người học. Khi họ hiểu và biết được lợi ích của nghiên cứu khoa học, họ sẽ có đủ động lực để vượt qua: “Nghiên cứu khoa học là một cách thức để mình tìm hiểu và giải quyết một vấn đề. Bây giờ bạn đi làm bạn cũng phải giải quyết vấn đề? Sếp giao cho bạn một nhiệm vụ, bạn chưa biết cách làm, bạn có phải đi mày mò phải tìm cách gì đó tốt nhất để làm hay không, tốt hơn những người khác hay không? Nếu có, quy trình đó giống như nghiên cứu khoa học. Vậy, nếu bạn tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học ngay từ giảng đường thì bạn sẽ học được cách giải quyết vấn đề một cách logic hơn, hiệu quả hơn và nó sẽ phục vụ cho chính cuộc sống của bạn. Cho nên, nghiên cứu khoa học không phải là vấn đề gì cao siêu, bạn cũng không phải là nhà khoa học vĩ đại mới cần theo đuổi nó”

Có thể thấy, nghiên cứu khoa học trong sinh viên có ý nghĩa thiết thực đến chính hoạt động học tập của sinh viên. Có nghiên cứu, sinh viên mới tiếp nhận cách học mới, hình thành phương pháp tự học tự nghiên cứu, tập làm quen với hoạt động khoa học một cách căn bản. Để được như vậy, đòi hỏi môi trường đại học phải tạo điều kiện để sinh viên chủ động, sáng tạo, có cơ hội tiếp cận nghiên cứu khoa học.

Nhận thức tầm quan trọng này, một số trường đại học hiện nay đã và đang bắt đầu chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên, được cụ thể hóa bằng những chính sách khuyến khích, khen thưởng, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu. Đặc biệt, chính quá trình nghiên cứu khoa học từ giảng đường, đã làm nền tảng cho việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của người trẻ.