Không lo cho giáo viên sống được bằng lương sẽ thất bại trong "cuộc cách mạng 4.0"

(VOH) - Sáng 17/11, diễn ra buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành uỷ, UBND TPHCM với đội ngũ Nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Các nhà giáo tâm huyết cho rằng, cơ chế, chính sách cho thành phố sẽ là cơ hội lớn cho ngành giáo dục, là cơ hội để nhà giáo sống được bằng lương. Ngành giáo dục thành phố cần chuẩn bị những chương trình, dự án để tận dụng thời cơ này.

Thời gian qua, mặc dù thành phố luôn dành mức đầu tư cao cho giáo dục nhưng thực tế thu nhập của giáo viên kém cạnh tranh. Trong đó, quy định mức lương giáo viên còn nhiều bất cập, căn cứ theo bậc học chứ không theo năng lực trình độ của giáo viên. Một số trường khó giữ chân giáo viên giỏi, trong khi để đổi mới phát triển giáo dục rất cần nguồn lực lượng này.

Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Nghệ Thủ Đức nêu thực trạng để thu hút các thầy cô vừa có trình độ chuyên môn giỏi, vừa có ngoại ngữ thì thực sự nhà trường cũng rất khó để giữ chân. Các thầy cô cũng bị thu hút bởi các doanh nghiệp, nếu như không có cơ chế tài chính tốt để cho các thầy cô an tâm.

Ông Huỳnh Công Minh, Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP phát biểu.

Theo ông Huỳnh Công Minh, Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP,  giáo viên hiện nay có thể sống được bằng thu nhập của mình nhưng thực tế phải chạy vạy. Người thầy giáo lúc nào cũng tất bật, lo nghĩ cho cuộc sống. Người giáo viên là những kỹ sư tâm hồn nên cần được tạo điều kiện để họ có được cuộc sống an nhiên, có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người.

Ông Huỳnh Công Minh cho rằng để cho những thăng hoa về tâm hồn phát triển, mới chuyển tải đến thế hệ trẻ niềm hạnh phúc, sự yêu đời. Chứ người thầy giáo lúc nào cũng tất bật, đứng trên bục giảng mà đầu lại nghĩ về cuộc sống, thì chức năng của người thầy giáo chưa đạt được, chưa trọn vẹn theo như chức năng vốn có xã hội giao cho họ -  là kỹ sư tâm hồn.

Bài học của Hàn Quốc, ngay từ khi thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 70-80 USD, người giáo viên vẫn luôn được xã hội đánh giá cao. Đến nay, tại đất nước này, người giáo viên vẫn là thành phần ưu tú trong xã hội. Vì vậy, theo PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, để người giáo viên sống được bằng lương là điều chúng ta phải đạt được, và thời cơ đang đến với thành phố. "Bởi vì không đạt được vấn đề này (thu nhập) đối với đội ngũ giáo viên và giáo dục thì chúng ta sẽ thất bại trong cuộc cách mạng 4.0", PGS.TS Võ Văn Sen nhận định.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thành phố cần một cơ chế để phát huy nguồn lực trí tuệ rất lớn của thành phố. Riêng các trường ĐH, CĐ ngoài ĐHQG TPHCM đã có hơn 8.000 giáo sư tiến sĩ ở các ngành khác nhau. Cùng với hơn 5.000 giáo sư tiến sĩ của ĐHQG TPHCM, đây là nguồn lực vô cùng lớn, và TP phải phát huy thông qua một cơ chế cụ thể.