Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đánh giá học sinh toàn diện hơn

(VOH) - Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia kết thúc sau 2,5 ngày diễn ra. Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền chủ trì kỳ thi cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng có sự giám sát hỗ trợ từ các trường đại học.

Ngoài việc rút ngắn được thời gian thi xuống 1,5 ngày, cách tổ chức thi năm nay còn mang lại nhiều thuận lợi cho thí sinh cũng như người nhà do không phải di chuyển xa.  Tuy nhiên, thí sinh vẫn còn một số băn khoăn trong cấu trúc đề thi.

Xung quanh nội dung này, VOH phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.

* VOH: Với vai trò là địa phương có nhiều điểm thi nhất cả nước, ông đánh giá như thế nào về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay?

Ông Nguyễn Tiến Đạt: Kỳ thi THPT 2017 ở TPHCM tính đến nay thành công tốt đẹp và cũng thành công trên cả nước. Năm nay Bộ GD-ĐT giao về cho các sở để chủ trì các cuộc thi. Tôi nghĩ rằng các Sở GD&ĐT đã làm rất quen công việc này.

Tuy nhiên có nhiều đổi mới trong tổ chức thi. Với tinh thần trách nhiệm chung trước Bộ GD&ĐT, địa phương, cũng như với thí sinh và nhân dân, các sở GD&ĐT cũng đã hết sức nỗ lực, cố gắng tổ chức tốt kỳ thi năm nay.

Kỳ thi năm nay có ưu điểm là tất cả thí sinh phải thi 3 môn công cụ rất quan trọng là Văn, Toán và Ngoại ngữ cùng với tổ hợp các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Vì vậy, đánh giá năng lực học sinh toàn diện hơn.

Việc thi nhiều môn trong thời gian ngắn thì hình thức trắc nghiệm là phù hợp.

Ưu điểm năm nay là kết quả kỳ thi này có thể dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông đồng thời phân hóa đề thi cũng đủ để làm cơ sở xét tuyển đại học chính xác theo năng lực của học sinh. Một ưu điểm nữa là sự phối hợp giữa Sở GD&ĐT và các trường đại học. Cũng là dịp để cùng nhau làm việc, hiểu nhau hơn và cũng tin nhau hơn trong kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả tuyển sinh vào đại học.

Trong thời gian qua tất cả thí sinh cũng đã chấp hành quy chế rất tốt. Các trường hợp vi phạm quy chế thi rơi vào các lỗi không cố ý. Năm ngoái, còn các trường hợp vi phạm sử dụng tài liệu. Năm nay, đa số thí sinh bị đình chỉ thi là do sử dụng điện thoại.

Có trường hợp là cố ý nhưng cũng có trường hợp là vô tình rất đáng tiếc nhưng cũng nói lên rằng tính chấp hành quy chế thi của thí sinh ngày càng tốt hơn.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt thí sinh khi rời phòng thi tại điểm thi Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ, TPHCM) - Ảnh: TNO

* VOH: Một số thí sinh cho rằng việc làm bài thi tổ hợp gồm 3 môn thi thành phần trong cùng một buổi đã tạo áp lực không chỉ trong việc ôn thi mà cả trong quá trình làm bài. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Đạt: Năm đầu tiên thi một lúc 3 môn nên cũng chưa quen lắm nhưng tôi nghĩ trong thời gian tới nếu thi dạng tích hợp các em cũng phải làm nhiều câu hỏi trong thời gian như thế. Chỉ có thi trắc nghiệm mới có thể kiểm tra kiến thức toàn diện trong thời gian ngắn được.

Trong lộ trình đổi mới giáo dục toàn diện cũng tính đến việc thi tích hợp. Thi tích hợp, có nhiều câu hỏi liên môn, nên thời gian thi sẽ ngắn hơn. Nếu thi 3 môn tự nhiên riêng thì mất 150 phút còn thi tích hợp chỉ mất nửa thời gian đó.

* VOH: Một số ý kiến cho rằng, tính phân hoá của đề chưa đáp ứng được yêu cầu 2 trong 1, vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh?

Ông Nguyễn Tiến Đạt: Theo tôi thì học sinh giỏi sẽ thấy đề dễ, học sinh khá thì thấy vừa sức, còn học sinh trung bình yếu thì sẽ thấy đề khó. Đề ra theo đúng định hướng của bộ GD-ĐT, tức là có phần kiểm tra kiến thức, phần nâng cao và mức độ nâng cao hơn.

Như vậy tất cả đề đều có những câu dễ, những câu đòi hỏi suy nghĩ, những câu đòi hỏi học sinh khá giỏi mới vượt qua. Với kết quả kỳ thi này đủ cơ sở tin cậy để xét tuyển vào đại học.

* VOH: Cám ơn ông!