Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Lấy lại niềm tin của xã hội về giáo dục

(VOH) - Đó là cam kết của ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP bên cạnh chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm trong môi trường học đường thời gian qua.

Sáng 28/4, tại buổi Đối thoại cùng chính quyền TP với chủ đề “Giá trị nhân văn của giáo dục TPHCM”, do Hội đồng nhân dân TP phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP thực hiện, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP cam kết, bên cạnh việc chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm trong môi trường học đường thời gian qua, ngành giáo dục TP sẽ tăng cường các kênh giao tiếp, lắng nghe tiếng nói của phụ huynh, học sinh, đồng thời có nhiều giải pháp sàng lọc để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên. 

Đối thoại cùng chính quyền Thành phố

Các khách mời tham gia buổi đối thoại sáng 28/4 tại VOH. Ảnh: K.H

Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, hàng năm ngành giáo dục đều nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo chặt chẽ từ Uỷ ban nhân dân TP trong việc đầu tư xây dựng phòng học, tập huấn giáo viên và thay đổi phương pháp dạy học. Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành giáo dục TP, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP bày tỏ, TP đang đứng trước nhiều áp lực như tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu giảng dạy ngày càng tăng cao ở các quận, huyện, sĩ số học sinh /lớp cao so với quy định của Bộ GD-ĐT.

Dưới góc độ tâm lý giáo dục, Tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam, Trường Đại học Sư Phạm TPHCM nhìn nhận những sự việc đáng tiếc vừa qua tuy chỉ là cá biệt nhưng là "điểm đen" che khuất những thành tựu đáng tự hào của TP khiến cho một bộ phận bi quan về giáo dục.

Trong mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội, Tiến sĩ Võ Văn Nam đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò gia đình, đó là: “Chúng ta là phụ huynh, chỉ có từ 1 – 2 con mà chúng ta còn không theo con một cách sâu sát để kịp thời tháo gỡ những bức xúc nổi cộm, bất ngờ xuất hiện trong tâm lý của con. Huống hồ thầy cô phải đối diện với hàng chục, hàng trăm em học sinh thì làm sao có thể sâu sát các em một cách đầy đủ. Cho nên, phụ huynh không thể trăm sự nhờ thầy, đổ lỗi hết cho thầy cô được.”

Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân TP, chúng ta cũng cần nhận diện khía cạnh sự kỳ vọng của gia đình, dòng họ lên mỗi học sinh cũng gây một áp lực tâm lý. Trong một môi trường sư phạm, với áp lực học sinh đông như vậy, ngành giáo dục phải làm thế nào để học sinh học tập đạt thành tích đồng thời tạo được tâm lý ổn định trong nhà trường.

Thính giả Nguyễn Thị Thêu, phụ huynh ở quận 8 chia sẻ, với chương trình học khá nặng như hiện nay, chính phụ huynh cũng bị áp lực: “Đối với tôi, tôi không bao giờ muốn con cái học quá nhiều. Con cái đã có khoảng thời gian dài ở trên lớp học cả ngày rồi, khi về nhà con cần phải được chơi, giải trí và làm điều mình thích, chứ không để con bị áp lực học tập nhiều quá. Nhưng đó là mong muốn của cá nhân tôi. Như tôi bây giờ, con tôi năm nay thi chuyển cấp, con có áp lực rất lớn và tôi cũng chịu áp lực rất lớn.”

Từ thực tế đơn vị trường học, ông Phạm Quang Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh chia sẻ thêm, học sinh hiện nay đang chịu quá nhiều áp lực. Áp lực phải có kết quả học tập giỏi để có việc làm tốt, áp lực từ gia đình có ít con nên đặt kỳ vọng quá lớn, áp lực thành tích từ giáo viên. Do đó, một mặt ông nhắn gởi phụ huynh không nên đặt áp lực quá lớn lên học sinh, một mặt cho biết về phía nhà trường sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần, tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên để hạn chế tối đa những việc đáng buồn như thời gian qua.

Ông chia sẻ giải pháp củng cố mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội: “Làm cách nào để giải tỏa tâm lý cho thầy cô, đó là quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên ngày càng tốt hơn. Về phía học sinh, ban giám hiệu củng cố lại đội ngũ nhân viên tư vấn, giáo viên chủ nhiệm để theo sát học sinh, trao đổi với học sinh, để những trăn trở bức xúc của học sinh được giải tỏa ngay từ đầu.”

Thính giả Trương Thị Hương Lan, phường 25, quận Bình Thạnh bày tỏ sự trăn trở về việc làm sao để khôi phục hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh, tạo niềm tin cho xã hội trước những sự việc vừa qua, bà nêu câu hỏi: “Biết bao giờ cô giáo có thể điều chỉnh thái độ ứng xử, để hình ảnh cô giáo đứng trên bục giảng trở về với giá trị nhân văn. Cô giáo như hình mẫu cho học trò, cô giáo là người mẹ thứ hai.”  

Bày tỏ sự cam kết của ngành giáo dục TP với học sinh, phụ huynh, ông Nguyễn Văn Hiếu nói: “Về căn cơ, chúng ta cần có kênh lắng nghe từ học sinh, từ phụ huynh. Đó là sự phối hợp của các đơn vị trường học, của Sở GD-ĐT. Hàng tuần, lãnh đạo Sở có lịch để tiếp dân để lắng nghe phản ánh trực tiếp từ người dân. Chúng ta nắm bắt ngay từ đầu để hình ảnh người thầy không bị nhuốm màu trước mắt của học sinh; cũng như cái thiệt thòi về quyền được học của học sinh, hay việc xâm phạm thân thể, nhân phẩm học sinh không còn diễn ra ở TP cũng như các tỉnh thành trên cả nước.”

Ông Hiếu cũng cho biết, đối với các giáo viên trong năm đầu tiên tuyển dụng sẽ trải qua các buổi kiểm tra, dự giờ, đánh giá. Nếu không đạt hiệu quả sẽ không được tiếp tục ký hợp đồng giảng dạy. Đây được xem là cách sàng lọc của TP để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên.

Đồng quan điểm, bà Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng đại bộ phận giáo viên hiện nay vẫn tận tâm, yêu nghề. Để lấy lại niềm tin của xã hội, ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đặc biệt tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường.

 “Làm sao xây dựng được mối quan hệ giữa ban giám hiệu với giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giữa giáo viên và học sinh. Chúng ta hướng tới xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, trong đó sự quan tâm đẩy đủ trách nhiệm của từng phụ huynh đối với học sinh. Tạo một môi trường xã hội lành mạnh để các em phát triển một cách toàn diện.” - bà Thi Thị Tuyết Nhung nói. 

Bình luận