Ngôi trường trăm tuổi Marie Curie

(VOH) - Trường Trung học phổ thông Marie Curie vừa bước qua tuổi 100 không lâu đã khẳng định được những giá trị thiêng liêng của nền giáo dục nước nhà.

Góp phần vào bề dày quá trình hình thành và phát triển hơn 300 năm của Sài Gòn - TPHCM, không thể không nhắc đến sự hiện diện của những ngôi trường trăm tuổi như: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Marie Curie... Trong đó, trường Trung học phổ thông Marie Curie vừa bước qua tuổi 100 không lâu đã khẳng định được những giá trị thiêng liêng của nền giáo dục nước nhà.

Trường Trung học phổ thông Marie Curie tọa lạc trên địa bàn Quận 3, một trong những quận trung tâm thành phố. Giữa các cao ốc, đường xá nhộn nhịp, khu thương mại sầm uất của một thành phố đông dân, ngôi trường với nét đẹp cổ kính, độc đáo vẫn tồn tại vững chãi bất chấp những đổi thay theo thời gian.

trường Marie Curie

Thành lập từ năm 1918, trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) từng nổi tiếng là trường trung học lớn nhất nước với hơn 5.000 học sinh mỗi năm. Ảnh minh họa: internet

Ngôi trường trăm tuổi này ra đời vào năm 1918, dưới thời Pháp thuộc. Bối cảnh xã hội đặc biệt lúc bấy giờ nên ngôi trường ở một xứ sở phương Nam nhưng lại mang dáng dấp của đường nét kiến trúc Tây Âu thời Phục Hưng khá đẹp mắt.

Trên diện tích hơn 2 hecta, trường được thiết kế theo kiến trúc Pháp từ cổng chào, đến các phòng học, vườn cây, đài phun nước... Cách biệt các dãy phòng học  với xung quanh là những khoảng không gian xanh khá tĩnh lặng.

Đặc biệt, ngay khi bước chân vào cổng trường, là một khuôn viên nhỏ với bức tượng bán thân nhà khoa học Marie Curie. Đây là nhà nữ khoa học gốc Ba Lan, người được thế giới biết đến trong việc tiên phong nghiên cứu về tính phóng xạ. Nhà khoa học này còn là người đầu tiên vinh dự nhận được hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau là vật lý và hóa học.

Tuy nhiên, khi mới thành lập, ngôi trường cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm đổi thay theo tiến trình lịch sử. Tên gọi đầu tiên của trường là Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp. Lúc bấy giờ, trường chỉ dành dạy học cho các nữ sinh người Pháp và một số ít con em người Việt Nam xuất thân từ các gia đình giàu có và quyền quý ở Sài Gòn.

Các môn học ở trường lúc này đều được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Năm 1941, sau khi Nhật tiến vào Đông Dương, ngôi trường được trưng dụng làm bệnh viện, nên trường phải chuyển sang một địa điểm khác là trường mẫu giáo nằm trên đường Duy Tân, ngày nay là đường Phạm Ngọc Thạch. Không lâu sau đó, trường được trở về địa điểm cũ với tên gọi mới là Trường Trung học Calmette.

Sự thay đổi lại tiếp tục khi Pháp trở lại chiếm Sài Gòn. Năm 1946, trường được đổi lên là Trung học Lucien Mossard. Đầu năm 1948, Trường đổi tên là trường Marie Curie. Từ đó đến nay, dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, trường vẫn được mang tên duy nhất là Marie Curie, tên nhà khoa học nữ có nhiều cống hiến cho sự phát triển của nhân loại.

Trong đó, giai đoạn từ năm 1954 đến 1969, trường vẫn là trường học dành cho nữ sinh, đào tạo đến bậc tú tài. Từ năm 1970, trường nhận thêm nam sinh. Từ 30/4/1975, trường trở thành trường Trung học phổ thông công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM quản lý. Năm 2015, Trường được UBND TP công nhận là di tích lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh của thành phố.

trường Marie Curie

Năm 1948, trường mang tên Marie Curie, đặt theo tên của nhà vật lý, hóa học người Ba Lan – Pháp, cũng là người phụ nữ đã nhận hai giải Nobel. Ảnh minh họa: internet

Đặc biệt, lịch sử đáng tự hào của nhà trường chính là phong trào đấu tranh cách mạng của học sinh Marie Curie. Cùng với Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong), Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai), Trường Marie Curie trở thành một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng của sinh viên học sinh miền nam.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie khẳng định: "Nữ sinh Marie Curie luôn tự hào góp mặt trong các phong trào đấu tranh học sinh sinh viên Sài Gòn trong từng thời kỳ. Học sinh Marie Curie đã đóng góp một phần làm nên truyền thống hào hùng của dân tộc, của thành phố mang tên Bác. Từ ngôi trường nay đã cho ra đời biết bao thế hệ học trò yêu nước đấu tranh đầy nhiệt huyết, học tập và thành đạt trên nhiều lĩnh vực, từ khoa học đến kinh tế văn hoá chính trị và giáo dục".

Chia sẻ nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường, Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Trương Hòa Bình, người trưởng thành từ phong trào đấu tranh học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định, đồng thời là cựu học sinh trường Trung học phổ thông Marie Curie, khẳng định: "Trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy, nơi ươm mầm biết bao tài năng. Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành và giữ những vị trí quan trọng trên nhiều lĩnh vực của thành phố, của Đảng, Nhà nước. Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, với sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ thầy cô giáo học sinh, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một lá cờ đầu về chất lượng giáo dục của thành phố".

Nhiều chính trị gia đang giữ các cương vị quan trọng từ trung ương đến địa phương, nhiều doanh nhân thành đạt trên các lĩnh vực kinh tế, văn nghệ sĩ nổi tiếng đã trưởng thành từ ngôi trường đặc biệt này như Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá XI, Nhà thiết kế Sỹ Hoàng, doanh nhân Đường Thu Hương, Tổng giám đốc Forbes Việt Nam... Điều đáng quý chính là tình cảm tốt đẹp của các thế hệ học sinh Marie Curie dành cho trường cũng như cho các thế hệ đi sau.

Từ tình cảm này mà ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, cựu học sinh niên khóa 1993-1996, Chủ tịch Tập đoàn Yeah1, đã tài trợ xây dựng thư viện khang trang hiện đại cho nhà trường. Ông cho biết kiến thức từ nhà trường mang lại cho ông những giá trị quan trọng: "Khả năng về lý luận, lập luận, nhận định tình hình... là những điều mình được học từ môn Lịch sử. Mình xem những trận đánh như Điện Biên Phủ, phân tích nguyên nhân, cách hành quân như thế nào để đánh thắng được Pháp. Nếu chỉ biết thôi, thì kiến thức không ăn sâu. Mình phải biết cách phân tích từng bài học, làm sao mình đúc rút ra những giá trị riêng của mình".

Kế tục truyền thống, trong giai đoạn đổi mới giáo dục mạnh mẽ như hiện nay, trường THPT Marie Curie cùng với các trường học khác, tiếp tục gánh vác trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Qua đó, làm tiền đề để thành phố thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cũng như sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế tài chính thương mại khoa học công nghệ của khu vực.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhắn nhủ nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường mới đây: "Lãnh đạo thành phố nhận thấy dưới mái trường THPT Marie Curie, học sinh được trang bị kiến thức kỹ năng toàn diện. Trường có đa dạng hoá các loại hình câu lạc bộ đội nhóm, các hoạt động Đoàn sôi nổi, những phong trào thanh niên thiết thực. Đó là môi trường thuận lợi để học sinh xây dựng lý tưởng sống có ích, sống vì cộng đồng, rèn luyện cho các em tính tích cực tự giác, sáng tạo năng động và tư duy đổi mới. Đó là những phẩm chất hết sức cần thiết của người công dân toàn cầu trong tương lai. Đảm bảo khả năng khai thác tốt nhất kho tàng trí thức rộng lớn của nhân loại và thích ứng nhân chóng với sự thay đổi của thế giới".

Trải qua nhiều quá trình theo sự thăng trầm của lịch sử, ngôi trường trăm tuổi Marie Curie là nơi lưu dấu của biết bao kỷ niệm của tuổi học trò cũng như dấu mốc phát triển đi lên thành phố. Đây còn là cái “nôi” đào tạo nên nhiều thế hệ học sinh thành tài suốt thế kỷ qua. Từ những bài học trên ghế nhà trường, những doanh nhân, chính trị gia, những văn nghệ sĩ đã đóng góp, kiến tạo cho cuộc sống này bao điều tốt đẹp.