Phòng chống bạo lực học đường: "Dùng cái đẹp để dẹp cái xấu"

(VOH) - "Dùng cái đẹp để dẹp cái xấu" là giải pháp được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường, diễn ra vào sáng 17/4.

Tình trạng bạo lực học đường là vấn đề nhiều quốc gia đang đối mặt, không chỉ trong nhà trường mà cả các không gian lân cận bên ngoài. Ngày nay, tình trạng bạo lực học đường lại còn phức tạp hơn với sự phát triển của mạng xã hội. Thế giới hàng năm có 246 triệu trẻ em thanh thiếu niên là nạn nhân của nạn bạo lực học đường.

Phòng chống bạo lực học đường

Ảnh chụp màn hình Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường

Thống kê ở một số quốc gia cho thấy số học sinh ở độ tuổi từ 13 đến 15 trong 12 tháng gần nhất tham gia ẩu đả ở Việt Nam chỉ có 22%, trong khi ở Argentina là 34%, Zimbabwe và 41%. Ngoài ra, số liệu thống kê năm 2015, trẻ bị bắt nạt ít nhất 1 lần trong vài tháng qua của Việt Nam là 26%, so với Canada là 32%, Trung Quốc 29%. Đây còn vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi, nên tình trạng bắt nạt phổ biến và tồn tại như một tất yếu. Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội, năng lực nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ quản lý của người làm giáo dục có ý nghĩa quyết định. Mỗi giáo viên cần tự ý thức, thay đổi, chính bản thân, quan tâm xây dựng hệ giá trị cho học sinh.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc giáo dục giá trị sống, các đại biểu cho rằng cần có bộ tài liệu chuẩn về giáo dục kỹ năng sống, cũng như quy định thành môn học giờ học cụ thể. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần cập nhật và triển khai ngay cho giáo viên các biện pháp kỷ luật tích cực. Đây cũng là cách giảm bớt áp lực cho giáo viên, vì khó mà giáo dục con người nếu không có các biện pháp kỷ luật.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, kiến nghị: "Nghiên cứu và có định biên chức danh giáo viên tâm lý chuyên trách trong trường học, bên cạnh việc có chương trình học có thời gian thời lượng phù hợp giữa giảng dạy kiến thức và giảng dạy kỹ năng để hình thành nhân cách cho các em học sinh, tăng cường đưa những tấm gương sáng về học đường".

Phòng chống bạo lực học đường

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường - đầu cầu TPHCM

Để ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường cần sự phối hợp từ gia đình đến nhà trường, phường-xã... Trong đó, nhà trường và xã hội cần phải định hướng phụ huynh trong công tác phối hợp giáo dục con em mình. Từng trường học nên có mô hình riêng phù hợp với điều kiện thực tế của mình chẳng hạn môi trường nông thôn, miền núi, khác với trường học ở đô thị với các tiệm game xung quanh... cũng như phải có sự phản ứng nhanh chóng kịp thời từ các đơn vị.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội, cho rằng cần sử dụng tích cực hơn hệ thống bảo vệ trẻ em, làm sao phối hợp với hệ thống trường học để kết hợp các đơn vị tham mưu của 2 bộ (Bộ GD&ĐT- Bộ LĐTB&XH), các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em với trường học, để làm sao phát huy được trách nhiệm  UBND cấp xã nữa. Khi một vụ việc bạo lực nghiêm trọng trong trường học ở đó có  trách nhiệm của UBND cấp xã, các cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em, trung tâm công tác xã hội. Khi tôi đi tìm hiểu thực tiễn, tôi thấy khi sự việc xảy ra học sinh, giáo viên nhà trường rất lúng túng.

Thứ trường bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, cho rằng mặc dù các quy định phòng chống bạo lực học đường đã ban hành khá đầy đủ từ khảo sát đối tượng có nguy cơ đên phối hợp xử lý, nhưng khi triển khai xuống từng giáo viên vẫn thực sự nắm rõ. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nhận diện bạo lực học đường. "Sắp tới Bộ cũng sẽ xây dựng các tài liệu video clip nhận diện bạo lực học đường, truyền thông những gương người tốt việc tốt. Các địa phương đẩy mạnh truyền thôn nhằm nhân rộng những gương người tốt việc tốt, những nơi làm tốt, mô hình hay", bà Nghĩa đề nghị