Thời đại 4.0: Học một ngành – Làm được nhiều nghề

(VOH) - Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các công việc thuộc những lĩnh vực ngành nghề khác nhau đều có sự liên kết với nhau.

Do đó, thí sinh học một ngành có thể làm được nhiều nghề. Đặc biệt, không có khái niệm ngành “hot”, mà chỉ có con người “hot” trong lĩnh vực ngành nghề đó. Để lựa chọn đúng ngành phù hợp, thí sinh cần xác định theo tỷ lệ: đam mê yêu thích chỉ 40%, còn 60% còn lại phụ thuộc vào năng lực sở trường của thí sinh. Bởi, nếu chỉ có đam mê mà không có năng lực thì sẽ bị đào thải.

Đó cũng là nội dung được các chuyên gia đúc kết ở kỳ 2 của Tọa đàm 2 kỳ Thí sinh chuẩn bị gì cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019.

Các khách mời của tọa đàm: Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam; Thạc sĩ Trà Thanh Trung, Ban Đại học - Đại học Quốc gia TPHCM; Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM.

Thời đại 4.0: Học một ngành – Làm được nhiều nghề 1

VOH: Thưa các vị khách mời, dù với phương thức tuyển sinh nào, thí sinh số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển, sắp xếp nó theo thứ tự nào thì nó cũng phải xuất phát từ việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh. Thí sinh nên bắt đầu từ đâu trong việc chọn ngành nghề, xin mời Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Tôi nghĩ xuất phát đầu tiên cho học sinh, đặc biệt là các học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sắp tới là các em sẽ chọn nghề gì, định hướng chọn nghề gì sau khi các em học xong bậc Trung học phổ thông. Việc chọn nghề gì nó phụ thuộc khá nhiều yếu tố.

Thứ nhất, môi trường, ví dụ như gia đình của các em có cơ sở kinh doanh, hoặc sản xuất gì đó. Các em có thích thú, ước vọng theo đuổi nghề nghiệp của gia đình hay không. Có thể các em được định hướng nghề nghiệp bởi cha mẹ mình, các anh chị đi trước.

Từ đó, học sinh mới cân nhắc tính tới chuyện chọn ngành nào để phù hợp với cái nghề, cái sở thích của mình. Hiện nay, các bậc học sau Trung học phổ thông mở rộng khá nhiều từ trung cấp cho đến đại học. Cho nên, học sinh cần chọn bậc học nào cho phù hợp với mình.

Chúng tôi nghĩ không nhất thiết các em phải học đại học mới có thể sử dụng nghề hay hành nghề được. Thậm chí, chúng tôi thấy hiện có những trường trung cấp đào tạo nghề rất thiết thực.

VOH: Cám ơn Tiến sĩ Nghĩa. Nhân ý kiến của Tiến sĩ Nghĩa, chương trình cũng muốn đặt thêm một vấn đề nữa. Đó là năm nay, với nhiều phương thức tuyển sinh thuận lợi và cơ hội cao để đậu đại học. Với kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh nhiều năm, ông đánh giá thí sinh mong muốn vào đại học so với các bậc học khác, như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Nếu chúng ta lấy số liệu của các kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong những năm gần đây, chúng ta sẽ thấy nguyện vọng của thí sinh trong những năm gần đây đã khá ổn định, định hình với khoảng 75% học sinh khi đăng ký dự thi có dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học. 25% thí sinh dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp.

Tất nhiên, 25% thí sinh này vẫn có thể xét tuyển vào đại học bằng học bạ trung học phổ thông.

Nhưng rõ ràng, đây là một xu hướng của học sinh và của xã hội. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cũng phải lưu ý, vì đây là phân luồng cho học sinh sau Trung học phổ thông. Tỷ lệ học sinh dự thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nhưng không đăng ký xét tuyển vào đại học lại nằm khá nhiều ở các địa phương chứ không phải ở thành phố lớn.

Tôi nghĩ, đây là mong muốn của chính các học sinh, học sinh tự định hướng cho mình vào những bậc học khác.

VOH: Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa. Xin mời ý kiến Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, các thầy cô luôn khuyên các em có 3 yếu tố quan trọng nhất.

Thứ nhất, các em phải xác định được năng lực, sở trường của mình. Năng lực sở trường có hai ý: thứ nhất là lợi thế chọn nghề, giống như Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa vừa phân tích. Đó là gia đình, người thân, anh chị em mình đang có một công việc, doanh nghiệp, hoạt động cụ thể gì đó trong gia đình. Giờ đến mình tiếp nối truyền thống đó.

Thứ hai là trải nghiệm với thực tế công việc. Tức là các em tiếp cận với công việc đó, làm từ nhỏ đến lớn đã quen tay. Và khi trải nghiệm công việc đó thì mình phát hiện mình phù hợp, tích hợp tốt với nghề. Thì chính đây là lợi thế chọn nghề của mình từ gia đình.

Các em phải khám phá bản thân. Khám phá bản thân thông qua các kênh như bài trắc nghiệm, dù không phải 100% nhưng đó là một kênh để mình hiểu về bản thân mình.

Tiếp theo là các em phải tham chiếu. Tham chiếu là các em phải tiếp cận với thầy cô, anh chị, chuyên gia, những người trực tiếp làm công việc đó, mình tiếp cận với họ để họ đánh giá khách quan về bản thân mình các em, xem các em có phù hợp với lĩnh vực ngành nghề mình định chọn hay không? Đánh giá khách quan đó sẽ giúp  định hướng, đó cũng là kênh rất quan trọng.

Kênh thứ ba là trải nghiệm thực tế. Trải nghiệm đó thông qua hoạt động hàng ngày, thông qua các công việc mình tiếp cận trong quá trình mình học phổ thông, tham gia chương trình thí nghiệm, các chuyến picnic, dã ngoại ngoài trời, tham quan các doanh nghiệp….nó hình thành cho mình sự trải nghiệm trong con người mình, mình phù hợp với lĩnh vực công việc nào.

Thế nên, nếu khám phá bản thân tốt thì các em sẽ nhận định được năng lực, sở trường, bản lĩnh của mình trong nghề nghiệp đó.

Thứ hai là yêu thích, sở trường. Yêu thích sở trường thì ngành nghề nào cũng cần. Tuy nhiên, yêu thích đam mê mà không có năng lực sẽ bị đào thải, sẽ không thành công. Cho nên đam mê yêu thích chỉ khoảng 40% thôi, 60% dành cho năng lực sở trường các em.

Thứ ba, nhu cầu thị trường lao động. Thực tế, hiện nay không có một ngành nào “hot”, chỉ có con người trong lĩnh vực đó làm tốt và được tôn vinh trở thành người “hot”.

VOH: Cám ơn Thạc sĩ Nguyên. Thưa Thạc sĩ Trà Thanh Trung, xin mời ông chia sẻ thêm vấn đề này với thí sinh.

Thạc sĩ Trà Thanh Trung: Trong những năm gần đây, các em có nhiều thông tin hơn, được nhiều sự hướng dẫn hơn. Như Thạc sĩ Nguyên vừa chia sẻ, các em phải hiểu về mình như thế nào. Trong quá trình tìm hiểu về mình, các em sẽ có những vướng mắc khó khăn, rồi tìm hiểu về nghề. Sau đó các em mới tìm hiểu về ngành, về trường.

Theo tôi, tất cả những kênh thông tin, công cụ hỗ trợ, thầy cô, ba mẹ và gia đình sẽ luôn ủng hộ, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các em khá đầy đủ. Riêng các em, tôi chỉ mong các em tự tin và mạnh dạn, nói ra những gì mình hiểu và chưa hiểu với những người xung quanh mình.

Chính sự chia sẻ đó, sẽ nhận lại được những thông tin rất quý giá đối với các em, chính các em phải là  người hiểu bản thân mình, hiểu về ngành nghề định hướng trong tương lai mà các em sẽ chọn, thì lúc đó các em mới tự tin đặt bút đăng ký các nguyện vọng.

VOH: Cám ơn các vị khách mời. Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, so lo lắng về trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế công việc của con người, nỗi lo về thất nghiệp. Vậy theo các chuyên gia, với sự lo lắng: học gì để không thất nghiệp….ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này? Lời khuyên dành cho thí sinh?

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Hiện nay chúng ta nghe nhiều về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4,0, và các em thường nghĩ đến các ngành liên quan đến công nghệ thông tin. Từ xu hướng này nên tâm lý chọn ngành nghề của học sinh hiện nay cũng cân nhắc kỹ.

Nhiều em hoang mang, không biết khi học các ngành thuộc các lĩnh vực khác như lĩnh vực xã hội, dịch vụ….thì sau này công việc sẽ như thế nào? Thực tế trong sự phát triển của xã hội, tất cả các ngành nghề diễn ra có sự liên kết với nhau.

Cho nên các em học xong một ngành có thể làm được nhiều nghề cụ thể khác nhau. Ví dụ, các em học ngành Luật, tưởng rằng học xong là ra làm luật sư, nhưng trên thực tế có trên 30 đầu việc có liên quan cho các em lựa chọn.

Như vậy, các em nên hiểu một điều rằng trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, mình chọn một ngành nào đó thì ra trường có rất nhiều công việc để mình làm việc.

VOH: Cám ơn Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên. Cám ơn các vị khách mời.