Chờ...

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp: Người mở đường cho y học tái tạo tại VN

(VOH) - Từ chối những lời mời hấp dẫn ở nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp trở về nước, đặt những viên gạch đầu tiên cho lĩnh vực y học tái tạo tại trường Đại học Quốc tế TPHCM.

Phòng thí nghiệm y học tái tạo, một lĩnh vực quá mới tại Việt Nam những ngày đầu không dự án, không thiết bị, không có tiền tài trợ, nhưng vẫn không làm khó nhà khoa học trẻ Nguyễn Thị Hiệp. Sở hữu 26 công bố khoa học ISI, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp tự nhận mình sinh ra là để làm khoa học.

Cách nói chuyện gần gũi mộc mạc là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, hiện là giảng viên Trường Đại học Quốc tế, Bộ môn Kỹ thuật y sinh. Và, ngay cả khi nói về khoa học, về những công trình nghiên cứu có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực y học tái tạo, chị vẫn dùng những ngôn từ bình dân mà người ngoài ngành, ai cũng có thể hiểu và nắm bắt dễ dàng. Bởi trên thực tế, những nghiên cứu của Tiến sĩ đã và đang góp phần giải quyết những vấn đề hóa búa trong lĩnh vực y học.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM)

Giải thưởng 20.000 đô la Mỹ với giải Nhất cuộc thi Giải thưởng Khoa học ASEAN - Mỹ lần thứ ba mới đây, theo chị là một niềm vui nhỏ trong công việc nghiên cứu.

Chia sẻ về đề tài đạt giải, Tiến sĩ Hiệp cho hay xuất phát từ nguyên nhân di cư từ nông thôn ra thành thị gây nhiều áp lực cho các dịch vụ chăm sóc y tế tại các TP lớn. Trong khi đó, với các vật liệu sinh học, thiết bị y tế thông minh, ứng dụng chữa bệnh từ xa sẽ giải quyết được bài toán chăm sóc mọi người tại nhà. Theo chị, vì ít người biết được việc mỗi khi bệnh thì lại vào bệnh viện ngay mà không cần biết có cần thiết hay không từ đó gây áp lực cho bệnh viện, đôi lúc lại bị lây bệnh ngay tại bệnh viện mà chị mong muốn tuyên truyền cho mọi người hiểu rằng ngoài chuyện nhất định phải vào bệnh viện, chúng ta còn có những giải pháp khác. Giải pháp mà bộ môn của chị đang làm đưa ra là tạo ra những thiết bị mà người bệnh chỉ cần ở nhà họ có những thiết bị kiểm tra. Những dữ liệu đó chuyển lên bệnh viện, chỉ cần một bác sĩ có thể nhìn được tất cả dữ liệu ở nhiều nơi, họ sẽ đưa ra loại thuốc gì mà người bệnh nên uống.      

Hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học, Tiến sĩ Hiệp có 26 công bố khoa học ISI, 6 công bố khoa học thuộc các tạp chí quốc tế, 6 bài báo trong nước và hơn 40 bài báo khoa học ở các hội nghị quốc tế. Thế nhưng, đằng sau những con số biết nói đó là một hành trình phấn đấu không mệt mỏi mà có lúc chị tưởng chừng như đã bỏ cuộc.

Tốt nghiệp cử nhân Hóa tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường Đại học Soonchunhyang, Hàn Quốc, chị trở về nước làm giảng viên bộ môn kỹ sinh tại Trường Đại học Quốc tế.

Nhớ lại năm 2012, khi quay trở về VN làm công tác nghiên cứu tại Trường Đại học Quốc tế, trong bộ môn Kỹ thuật y sinh mới chỉ có thiết bị y tế chứ chưa có phòng thí nghiệm. Mà thiết bị y tế lại không liên quan đến lĩnh vực y học tái tạo mà chị nghiên cứu. Lúc đó, chị và Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Tới, Trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh phải đi vay tiền của Đại học Quốc gia TPHCM để mua từ những thiết bị đơn giản nhất để làm thí nghiệm. Rồi làm đề tài nghiên cứu không lương. Thêm nữa, thiên chức làm mẹ của người phụ nữ đã khiến chị phải đấu tranh, phải lựa chọn, và chị đã quyết định chọn cả hai.

Hiện tại, Phòng Thí nghiệm y học tái tạo đã và đang nghiên cứu được những lĩnh vực y học ngang bằng với thế giới. Tiến sĩ Hiệp cho hay nhóm của chị đang hợp tác với các nhà khoa học Hàn Quốc để nghiên cứu và cải thiện một số giải pháp về xương xi măng. Một dự án khác hợp tác với các nhà khoa học châu Á là nghiên cứu Nano bạc như chất kháng sinh, để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh quá nhiều như hiện nay; và nhóm đã phát hiện Nano bạc là một giải pháp tiêu diệt được rất nhiều loại vi khuẩn, vi rút; Một dự án khác nghiên cứu về loãng xương với các nhà khoa học ở Anh.

Hiện phòng thí nghiệm còn đang nghiên cứu theo đặt hàng từ Quân đội Hoa kỳ về keo làm lành vết thương, giảm thiểu tư vong khi chưa kịp sơ cứu thời gian đầu. Trước đó, năm 2016, Tiến sĩ Hiệp nhận Giải thưởng Khoa học L’Oreal – Unesco với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi.