TPHCM sắp diễn ra 3 hội nghị quốc tế nghiên cứu công nghệ mới

(VOH) - 3 hội nghị quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới, thiết kế chế tạo hệ thống vi cơ điện tử (MEMS); Robot và Trí tuệ nhân tạo sẽ diễn ra tại TPHCM.

PGS.Tiến sĩ Lê Hoài Quốc – Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM thông tin tại cuộc họp báo vào chiều 15/8.

Dự kiến, hội nghị “Ứng dụng công nghệ Nano và vật liệu mới” diễn ra ngày 31/8 với sự tham gia của 12 diễn giả là những nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực công nghệ và vật liệu nano đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam.

PGS.Tiến sĩ Lê Hoài Quốc – Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM thông tin về 3 hội nghị quốc tế tại cuộc họp báo vào chiều 15/8.

Tiến sĩ Hoàng Thế Bân, chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu Nano cho biết thêm: “Chúng tôi tập trung ứng dụng và chuyển giao các công nghệ về hai vật liệu mới, đó là vật liệu trên nền tảng của cacbon và vật liệu khác, phong phú đa dạng.

Hiện tại, trung tâm nghiên cứu R&D của khu công nghệ cao chúng tôi có nhóm nghiên cứu về ứng dụng của các vật liệu cacbon. Trong hội nghị lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu các ứng dụng để sử dụng các vật liệu này làm vật truyền nhiệt rất cao, đó là ứng dụng rất thiết thực và mới cho đời sống”.

Diễn đàn MEMS sẽ diễn ra vào ngày 28/9 với chủ đề: “Nắm bắt xu hướng nuôi dưỡng sáng tạo” cùng với 4 chủ đề phiên song song: Hướng đến Thương mại hóa sản phẩm MEMS từ kết quả hoạt động nghiên cứu và triển khai; Những chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp MEMS; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phát triển của ngành công nghiệp MEMS; Vai trò của Quỹ đầu tư mạo hiểm trong sự phát triển hệ sinh thái MEMS. Diễn đàn tập trung thảo luận chiến lược giữa các nhà điều hành cấp cao để định hình thị trường sản phẩm MEMS tại Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời duy trì và tăng cường kết nối mạng lưới giữa “doanh nghiệp – doanh nghiệp”, “doanh nghiệp – chuyên gia” và “chuyên gia - chuyên gia”.

Ngoài ra, Hội nghị Quốc tế Thường niên Khu Công nghệ cao năm 2018 “Robot và Trí tuệ nhân tạo” sẽ diễn ra từ ngày 16-17/11 với chủ đề: “Robot và Trí tuệ nhân tạo” và 3 chủ đề phiên song song là: Sự tương tác giữa Con người và Robot trong thời đại công nghiệp 4.0; Robot và trí tuệ nhân tạo cho thành phố thông minh; Việt Nam trong thời đại Robot và trí tuệ nhân tạo. Về trí lĩnh vực này, Tiến sĩ Lê Đình Phong cho rằng, tính khả thi của các công nghệ nhân tạo trên thế giới hiện Việt Nam cũng có thể áp dụng được.

“Hiện nay, các nhóm đang nghiên cứu và đưa ra những giải pháp cụ thể để đến tháng 11 có thể trình diện. Ví dụ như điều khiển bằng giọng nói hoặc nhận diện bằng khuôn mặt hay những thiết bị robot phục hồi chức năng con người.

Chúng tôi cũng đang liên lạc với các trường, viện trong nước giới thiệu những thành quả nghiên cứu thực tế chứ không phải trên bài báo đến với các doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm robot và trí tuệ nhân tạo”- Tiến sĩ Lê Đình Phong cho hay.

Theo PGS.Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Khu công nghệ cao TP chú trọng vào 4 lĩnh vực, bao gồm: vi điện tử, trong đó tập trung phát triển vi cơ điện tử, bán dẫn. Thứ hai là lĩnh vực cơ khí tự động hóa, robot; Tiếp đó là lĩnh vực công nghệ sinh học, hướng đến các sản phẩm là dược phẩm, sinh dược, dựa trên hướng tái tổ hợp tế bào.

“Một doanh nghiệp tiêu biểu hiện nay là công ty Nanogen, bằng công nghệ sinh dược đã tạo ra loại thuốc đặc trị cho hai lĩnh vực viêm gan siêu vi B và C, thuốc đặc trị ung thư. Hiện sản phẩm của Nanogen đã xuất khẩu được 25 nước trên thế giới.

Đây là công ty đầu tiên tại VN đang áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất để điều khiển quá trình sản xuất bằng tiếng nói. Công nghệ này đang được chuyển giao và áp dụng thử nghiệm”- PGS.Tiến sĩ Lê Hoài Quốc thông tin.

Năm nay, giá trị thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao TP bao gồm cấp mới và điều chỉnh đạt 82 triệu đô la Mỹ, tương đương gần 1.795 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 59,5 triệu đô la Mỹ vốn nước ngoài.

Lũy kế đến nay đạt hơn 1.900 triệu đô la Mỹ vốn trong nước và hơn 5.427 triệu đô la Mỹ vốn nước ngoài.