Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Công bằng không phải cào bằng

(VOH) - Hội nghị tổng kết 20 năm công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1997-2017 diễn ra vào sáng nay 16/1.

Đại diện ngành giáo dục thành phố cho rằng, công bằng không có nghĩa là cào bằng. Bên cạnh, đảm bảo yêu cầu chỗ học, thành phố cần phải quan tâm mặt trận nâng cao chất lượng giáo dục.

Tính đến nay, thành phố có 64 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó 8 trường đạt chuẩn mức độ 2. Sau 20 năm xây dựng, quy mô mạng lưới trường tiểu học được quy hoạch ngày càng hợp lý, các loại hình học tập được tổ chức phù hợp, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia đang gặp một số khó khăn, đặc biệt trong việc đảm bảo các chuẩn như: số lớp không vượt quá 30 lớp, sỉ số không vượt quá 35 học sinh/lớp, cũng như diện tích bình quân phải đạt 6 m2/học sinh.

Bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học báo cáo: "Vấn đề khó nhất trong quá trình xây dựng trường học đạt chuẩn là diện tích đất. TPHCM là thành phố lớn có giới hạn nhưng dân số ngày một tăng cao. Điều này gây hạn chế cho các trường vì thiếu diện tích bình quân/ học sinh, việc xây dựng quy hoạch phát triển còn nhiều khó khăn nên nhiều trường có diện tích nhỏ hẹp nhưng không thể mở rộng thêm diện tích trong khi nhu cầu tuyển sinh nhiều. Việc duy trì các chuẩn của các trường đạt chuẩn chưa thật sự bền vững."

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các tập thể cá nhân huyện Cần Giờ có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, công bằng không phải là cào bằng. Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về chỗ học cho học sinh, thành phố còn phải quan tâm mặt trận nâng cao chất lượng giáo dục.

So với nhiều tỉnh thành có 60-70% trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ của thành phố là rất thấp, chỉ có 64 trường tiểu học, 28 trường trung học cơ sở, 2 trường trung học phổ thông đạt chuẩn.Vì vậy, ngành giáo dục thành phố định hướng phải duy trì một bộ phận trường học đạt chuẩn thông qua các giải pháp xã hội hoá:

"Mục tiêu luôn đeo đuổi nhưng cách làm từng quận huyện phải sáng tạo. Từ nay đến 2020, cắt giảm 10% biên chế, lộ trình Sở dự kiến là các trường chất lượng cao, chuẩn quốc gia, trường đang thực hiện mô hình tiên tiến hội nhập sẽ đi đầu để thực hiện xã hội hoá. Kinh phí ngân sách còn lại để trang trải cho những trường khác."

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại các tiêu chí về diện tích đất, diện tích bình quân/học sinh, số học sinh/lớp đối với các thành phố đông dân như TPHCM. Hoặc cho phép các trường thay thế diện tích đất sử dụng bằng diện tích sàn xây dựng trong việc xác định các tiêu chí.