Xoá bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa

(VOH) - Theo số liệu từ Bộ Công thương, hàng năm, sách giáo khoa chiếm khoảng 3/4 số lượng xuất bản phẩm trên cả nước.

Tại buổi khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng vừa diễn ra sáng 5/3 tại Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, nhiều đại biểu cho rằng nên xoá bỏ tình trạng độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, hàng năm, sách giáo khoa chiếm khoảng 3/4 số lượng xuất bản phẩm trên cả nước. Cụ thể nếu năm 2014, xuất bản 97 triệu bản sách giáo khoa, thì năm 2015 xuất bản hơn 101 triệu bản, và năm 2016 là 118 triệu bản. Tuy nhiên, cho đến nay việc xuất bản sách giáo khoa chỉ giao cho 1 đơn vị thực hiện là Nhà xuất bản Giáo dục.

Theo các đại biểu, khó tránh khỏi tình trạng độc quyền, dẫn đến kém cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả. Vì vậy, mở rộng xã hội hoá việc xuất bản, xoá bỏ độc quyền được nhiều đại biểu đề cập.

Độc quyền xuất bản sách giáo khoa

Sở GD&ĐT báo cáo việc thực hiện xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM

Đại biểu Lê Tấn Tứ, tỉnh Khánh Hoà, đặt vấn đề: " Vừa rồi, theo Nghị quyết 88, TPHCM xin có 1 bộ sách riêng, tự viết tự in, tự xuất bản trên cơ sở chương trình khung của Bộ, không để Nhà Xuất bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo độc quyền nữa. Hoặc thậm chí, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có thể tham gia in bộ sách của Bộ giáo dục được không?".

Thực tế, để xuất bản 1 bộ sách giáo khoa phải trải qua 6 công đoạn từ biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, in và phát hành. Thay vì thực hiện cả quy trình như hiện nay, các đại biểu cho rằng trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên dừng ở thẩm định, phê duyệt, các khâu còn lại như xuất bản, phát hành... có thể thực hiện đấu thầu, xã hội hoá. Có như vậy mới nâng chất lượng sách giáo khoa với mức giá thành hợp lý nhất cho học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng nếu giống như Luật Xuất bản, sau khi hoàn thành thẩm định phê duyệt, lúc đó có thể là đấu thầu, cạnh tranh đơn vị in. Cạnh tranh đấu thầu như thế thì giá sách mới đến với người tiêu dùng với cái giá thấp nhất có thể. Nếu được như vậy, trong lần thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới sẽ có lợi chung cho cả nước, cho tất cả các em học sinh chứ không riêng đơn vị nào.

Theo bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ở những vùng khó khăn trên cả nước, giá bìa sách giáo khoa là cả vấn đề với trẻ em đi học. Thực hiện Luật xuất bản 2012, chúng ta phải quản lý theo cơ chế thị trường nhưng các luật chưa đồng bộ. Luật giáo dục lại quy định việc in và phát hành Sách giáo khoa được giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà chưa có sự hướng dẫn để có sự thay đổi. Đoàn thực hiện khảo sát để có những điều chỉnh cho phù hợp. "Về giá cả, phải đứng trên quan điểm lợi ích của người tiêu dùng để xem xét những luật liên quan. Để làm sao tới đây việc xuất bản, in ấn và phát hành sách giáo khoa đảm bảo theo đúng yêu cầu mục tiêu đề ra, học sinh thụ hưởng được những xuất bản phẩm tốt nhưng giá cả phải chăng", bà Hoa nói.

Chuyến khảo sát của đoàn đại biểu kéo dài trong 2 ngày rưỡi, trực tiếp tại Nhà xuất bản Giáo dục tại TPHCM, và một số trường học trên địa bàn thành phố.