Liên tiếp xuất hiện mây "đĩa bay" ở Đồng Nai và Tây Ninh

(VOH) – Mây “đĩa bay” xuất hiện quanh núi Chứa Chan (tỉnh Đồng Nai) vào sáng sớm 25/11, sau khi hiện tượng kỳ thú này xuất hiện tại núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) trước đó một ngày.

Sáng 25/11, người dân ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai phấn khích phát hiện đám mây rất lớn hình nón bao phủ trên đỉnh núi Chứa Chan. Nhiều người đã dùng điện thoại chụp lại khoảnh khắc đẹp này và chia sẻ lên mạng xã hội.

Một số người dân sinh sống tại đây cho biết, từng nhiều lần nhìn thấy “đĩa mây” nhưng không to và rõ như lần này.

Liên tiếp xuất hiện mây

"Đĩa mây" có hình nón bao phủ trên đỉnh núi Chứa Chan (Đồng Nai)  - Nguồn ảnh: NGUYỄN HẬU/TTO

Trước đó, sáng 24/11 tại núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) cũng xuất hiện hình ảnh những đám mây lớn tạo thành quầng bao quanh đỉnh núi nổi bật giữa nền trời xanh thu hút sự chú ý của người đi đường lẫn cộng đồng mạng.

Liên tiếp xuất hiện mây

Trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) sáng 24/11 cũng xuất hiện một đám mây có hình "đĩa bay" tuyệt đẹp - Nguồn ảnh: Facebook DO VINH QUAN/TTO

Theo Hội Thiên Văn Hà Nội (HAS), hiện tượng trên thực chất là mây dạng thấu kính, thường xuất hiện ở những ngọn núi. Hiện tượng này trên thế giới không hiếm gặp, thường gặp nhiều ở núi Phú Sĩ (Nhật Bản) hay ở một số vùng núi cao ở Mỹ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc liên tiếp xuất hiện mây “đĩa bay” ở núi Bà Đen (cao 986m) và núi Chứa Chan (cao 837m) được đánh giá là kỳ thú và rất hiếm gặp.

Mây thấu kính là gì?

Mây thấu kính có tên khoa học là Lenticular clouds, là những đám mây đứng yên, có hình dạng tương tự thấu kính (nhiều người gọi là hình đĩa hoặc hình UFO) và hình thành ở những dãy núi cao, chỗ khuất gió bên sườn núi.

Thông thường, mây thấu kính sẽ hình thành theo hướng song song với hướng gió và tách thành ba loại gồm: Altocumulus, Stratocumulus và Cirrocumulus (lần lượt là mây trung tích, tầng tích và ti tích) tuỳ vào điều kiện thời tiết, địa hình.

Liên tiếp xuất hiện mây
Hiện tượng "đĩa mây" xuất hiện những ngày gần đây trong khí tượng được gọi là mây thấu kính - Nguồn ảnh: Internet

Khi không khí ẩm và ổn định chảy qua một ngọn núi được làm lạnh, một loạt các lượt sóng (không khí) dừng có thể hình thành ở mặt bên của nó. Nếu nhiệt độ tại đỉnh sóng giảm xuống dưới điểm sương, hơi nước lơ lửng sẽ ngưng tụ lại tạo thành mây. Lúc này, ngọn núi đóng vai trò như vật cản làm gián đoạn luồng không khí và tạo ra chuyển động xoáy, tạo điều kiện để mây dạng thấu kính hình thành.

Trong quá trình tiếp tục của dòng không khí, khi đi xuống chỗ lõm của sóng, đám mây có thể bốc hơi, tạo nên các dạng thấu kính đứng yên và xoáy tại chỗ. Chúng có thể hình thành gần đỉnh của mỗi đợt tiếp theo trong một mô hình đám mây, và có thể kéo dài hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn km.

Các hình dạng của mây thấu kính thường thấy nhất là giống như một “đĩa bay” nhiều lớp, hoặc một chiếc mũ trùm lên ngọn núi. Đôi khi, các sóng núi sẽ hình thành những phiến mây giống như các hạt nhân xếp đều đặn thành dãy.

Xem thêm: Vòi rồng là gì? Cần làm gì khi quan sát thấy hiện tượng vòi rồng

Vì sao máy bay tránh "đi" qua mây thấu kính?

Trong một số trường hợp, những đám mây dạng thấu kính được hình thành từ hai khối khí đối nghịch va chạm, làm cho phần nóng nhất bốc lên cao và không khí lạnh đảm nhận vai trò vật cản cơ học.

Đặc tính của gió liên kết với những đám mây này rất mạnh và có hướng đi lên nên việc máy bay di chuyển qua mây thấu kính có thể gây mất ổn định nghiêm trọng cho chuyến bay do sự nhiễu loạn không khí. Vì vậy, các phi công thường sẽ cố gắng tránh bay ở những vùng gần đám mây có hình thấu kính.