Doanh nghiệp lớn đang dịch chuyển một phần của chuỗi cung ứng của họ vào Việt Nam

(VOH) - Trong báo cáo vừa công bố chiều ngày 25/4, CBRE ghi nhận sự gia tăng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát dựa trên phản hồi từ hơn 200 công ty sản xuất có lượng xuất khẩu đáng kể hoặc cung cấp cho các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc, các động cơ chính thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc bao gồm: chi phí cho môi trường thấp hơn, ít xảy ra rủi ro về chiến tranh thương mại, chi phí cho lao động thấp hơn, giá đất rẻ hơn, dễ dàng tiếp cận với chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng tốt hơn…

Doanh nghiệp, chuỗi cung ứng

Biểu đồ các động cơ chính thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Theo CBRE, Chính phủ Việt Nam đã chi hàng tỷ đô la Mỹ cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng để giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng của khu vực công và tư của Việt Nam đạt trung bình 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất Đông Nam Á.

Theo giả định rằng, tất cả sản phẩm của Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 25%, điều này tác động tiêu cực đến việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Điều đó cũng có nghĩa là, trong ngắn hạn, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, giày dép, thiết bị di động, điện tử tiêu dùng, đồ gỗ, thủy sản, va li, túi xách và máy móc có thể tìm thấy hướng tiếp cận tốt hơn vào thị trường Mỹ.

Những doanh nghiệp lớn đều đang dịch chuyển một phần của chuỗi cung ứng của họ vào Việt Nam để giảm thiểu rủi ro chiến tranh thương mại.

Trong các quý còn lại năm 2019 và cả năm 2020, CBRE dự báo nguồn cung bất động sản công nghiệp ở khắp Việt Nam tăng trưởng để hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc.