Giải bài toán "được mùa mất giá": áp dụng phương thức kinh doanh hiện đại?

(VOH) –  Hiện nay, các doanh nghiệp, Hợp tác xã đều có mong muốn hợp tác với nhau góp phần đẩy mạnh sản phẩm nông sản của TP đến với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán hoặc triển khai hợp đồng, các đơn vị gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc.

Hội nghị Hỗ trợ đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp – Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TPHCM được Sở NN&PTNT tổ chức sáng 18/10 chính là kênh thông tin để doanh nghiệp, Hợp tác xã cùng trao đổi, và là nơi tạo điều kiện, kết nối tiêu thụ sản nông nghiệp. 

sản phẩm nông sản

Ảnh minh họa: theleader

Trong những năm gần đây, hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp – hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP liên tục phát triển. Từ năm 2017 đến nay, các Hợp tác xã ngày càng chú trọng việc gắn kết các hoạt động của mình với các doanh nghiệp, điển hình như Hợp tác xã Mai Hoa ở huyện Hóc Môn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn tập trung hợp tác, liên kết với công ty Vineco, cung ứng rau cho hệ thống cửa hàng Vinmart, năm 2017 tiêu thụ được 540 tấn rau, giá trị đạt hơn 1 tỷ 600 triệu đồng.

Ông Trần Văn Thơm – Giám đốc Hợp tác xã Mai Hoa cho hay nguồn hàng của HTX Mai Hoa xuất cho Vineco rất ổn định. Những HTX khác có nhu cầu muốn đi hàng ở siêu thị thì tốt nhất làm tốt nguồn rau có nguồn gốc và theo chuẩn VietGap.

Theo Sở NN & PT NT TPHCM, hiện vẫn chưa có sự liên kết trong sản xuất. Các Hợp tác xã hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết với nhau, thậm chí có tình trạng cạnh tranh lẫn nhau nên không thể phối hợp để cung ứng những đơn hàng lớn theo yêu cầu của các doanh nghiệp nên việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương TP cho rằng, thực tế rất khó giải quyết căn cơ trong việc hỗ trợ đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp – Hợp tác xã trên địa bàn TP, khi chưa minh bạch, phân biệt được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng biết sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Để sản xuất ổn định, đảm bảo không có tình trạng được mùa mất giá thì việc quy hoạch dự báo sản lượng, nhu cầu thị trường rất quan trọng. Và điều này chỉ có thể làm được với phương thức kinh doanh mới và cụ thể là các phương thức kinh doanh hiện đại như trên thế giới, đó là kinh doanh qua đấu giá, qua sàn giao dịch, qua các phương thức hợp đồng giao sau. Như vậy, người sản xuất sẽ căn cứ theo tín hiệu thị trường sản xuất thì sẽ không có tình trạng sản xuất dư thừa dẫn đến giá cả bị “rớt”, ông Phương nói.

Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NN & PT NT nhìn nhận, thực chất vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các Hợp tác xã trên địa bàn TP, vấn đề đặt ra là do sự nhập nhằng giữa sản phẩm sạch và sản phẩm không sạch.

“Phải thống nhất với nhau rằng, tất cả các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM đều phải thực hiện và hướng tới sản xuất sản phẩm sạch. Không thể có câu chuyện rằng: Bây giờ, thị trường chưa có sản phẩm hoàn toàn sạch thì chúng ta cũng tổ chức sản xuất theo như thế được, mà chúng ta phải đang làm và sẽ tiếp tục làm sản phẩm sạch để cung ứng cho thị trường của TP. Còn vấn đề kiểm soát để tạo sự công bằng minh bạch thì chúng ta sẽ tiếp tục kiến nghị với các cơ quan hữu quan", ông Ngọc Hổ đề xuất.

Các chuyên gia Nông nghiệp và các doanh nghiệp đều mong muốn Hợp tác xã đầu tư và phát triển mạnh bằng chính nội lực của mình. Những vấn đề khó khăn cụ thể, các Hợp tác xã có thể liên hệ trực tiếp với Chi cục Phát triển Nông thôn TP để được hướng dẫn./.