Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột

(VOH) - Tối 10/3, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đã được khai mạc.

Tiết mục biểu diễn trong lễ khai mạc (Ảnh: VPCP)

Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển”, Lễ hội và liên hoan diễn ra từ ngày 8 đến 13/3. Quy mô lễ hội cũng lớn hơn so với mọi năm, với nhiều hoạt động đáng chú ý như hội chợ, triển lãm chuyên ngành cà phê, trưng bày chuyên đề lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên.

Đặc biệt, lễ hội có gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, nông dân sản xuất giỏi của các tỉnh Tây Nguyên tham gia, lễ hội đường phố, đêm hội vào mùa, lễ hội tạc tượng gỗ, đêm hội diễn tấu cồng chiêng của đồng bào 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Hạt cà phê từ lâu không chỉ là một sản phẩm tiêu biểu của nền nông nghiệp đất đỏ mà còn trở thành biểu tượng tuyệt vời về sự quyến rũ, nét đẹp độc đáo của vùng đất được xưng tụng là Nóc nhà Đông Dương.

Hạt cà phê giúp gắn kết tình yêu, tình bạn không chỉ giữa những người Việt Nam trên khắp mọi miền mà cả bạn bè quốc tế đến với Tây Nguyên. Tất cả cùng chia sẻ tách cà phê thơm nồng, thấm đượm mồ hôi, tình yêu thiên nhiên, tinh thần cần cù, vượt khó của những người con Đam San, của những cộng đồng Ê Đê, Jrai, M’nông, Ba Na, Kinh…

Hạt cà phê trở thành cầu nối đưa Tây Nguyên đến với thế giới và kéo cả thế giới về đây trong không khí lễ hội cồng chiêng, trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại và di sản của đại ngàn Tây Nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc (Ảnh: VPCP)

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, nói đến cà phê Tây Nguyên, không thể không liên tưởng đến một tầm nhìn vươn lên giàu có của một trong những cao nguyên được thiên nhiên ưu đãi bậc nhất châu Á, nơi cây cà phê đã trở thành sinh kế quan trọng.

Trong không khí lễ hội, Thủ tướng đã chia sẻ tầm nhìn về một Tây Nguyên mới. Đó là đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của châu Á thế kỷ 21.