Mang rượu lên máy bay cần chú ý gì?

(VOH) - Trong những ngày giáp Tết, rượu món quà biếu thường được mang theo khi hành khách đi máy bay. Tuy nhiên, mang rượu lên máy bay cũng cần theo quy định của các hãng hàng không.

Quyết định 633/QĐ-CHK của Cục Hàng không Việt Nam ban hành ngày 1/5/2016, quy định mang chất lỏng trên máy bay trên chuyến bay nội địa đã có sự thay đổi. Cụ thể:

*Áp dụng trên chuyến bay Nội địa:

  • Chất lỏng, rượu/chất lỏng có cồn với nồng độ dưới 24%: không hạn chế.
  • Rượu/chất lỏng có cồn với:
    • Nồng độ từ 24 - 70%: tối đa 05 lít/người và phải được đựng trong bình đựng của nhà sản xuất.
    • Nồng độ trên 70%: Không được mang theo.

Rượu nhẹ có thể mang lên máy bay (Ảnh: Bon Appetit)

*Áp dụng trên chuyến bay quốc tế:

  • Chỉ được mang không quá 01 lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay; dung tích mỗi chai/lọ/bình chứa chất lỏng không quá 100 ml và phải được đóng kín hoàn toàn (không áp dụng đối với chất lỏng là thuốc chữa bệnh, sữa, thức ăn cho trẻ em với một số điều kiện cụ thể).
  • Chất lỏng mua tại cửa hàng trong khu cách ly quốc tế, trên máy bay quốc tế được phép mang theo người và hành lý xách tay, không giới hạn dung tích với điều kiện phải đựng trong túi nhựa an ninh được dán kín.

Cụ thể hơn, theo nhân viên tư vấn từ tổng đài 19001100 của Vietnam Airlines thì, hành khách có thể xách tay đối với rượu có nồng độ cồn dưới 70%. Tuy nhiên, ngoài việc phải được đựng trong bình đựng của nhà sản xuất, mỗi chai không quá 1 lít thì rượu còn cần phải được đóng gói kĩ càng để tránh đổ vỡ trong quá trình vận chuyển.

Đối với hãng hàng không Vietjet Air: chấp nhận vận chuyển rượu nồng độ cồn 24 - 70% được đựng trong chai, bình của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, nhân viên tư vấn của Vietjet Air khuyến cáo, trong trường hợp mang theo nhiều rượu thì nên mang nhiều bình, mỗi bình đựng không quá một lít, đóng thùng xốp kĩ càng khi kí gửi, tránh trường hợp bỏ bình rượu trong hành lý quần áo khiến rượu bị đổ vỡ.

Ngoài ra, hành khách không nên mang theo rượu gạo hay các loại rượu tự nấu khác (không nhãn mác) vì khi làm thủ tục, nhân viên sân bay có thể từ chối vận chuyển.