Tổng kết công tác bình ổn thị trường các tỉnh, TP khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM

(VOH) - Sáng nay 19/12/2018, tại TP Tân An, UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị tổng kết công tác bình ổn thị trường giữa các tỉnh, TP khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM.

Theo Ban Tổ chức, Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 ở đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 70 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Riêng TPHCM, khoảng 90 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong đó có 17 doanh nghiệp của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu cung ứng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 830.000 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với 2017. Riêng TPHCM, giá trị hơn 958.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với 2017.

Tổng kết công tác bình ổn thị trường các tỉnh, TP khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM

Lực lượng quản lý thị trường 13 tỉnh và TPHCM đã thực hiện tốt công tác chống hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng không an toàn thực phẩm, các hành vi gian lận thương mại và xử lý nghiêm những hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng...

Ông Nguyễn Anh Việt, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An cho biết năm 2018, lực lượng quản lý nhị trường các tỉnh, thành khu vực đông bằng sông Cửu Long đã tổ chức và phối hợp kiểm tra trên 19.319 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 7.098 vụ, với tổng số tiền trên 55 tỷ đồng.

Các sở ngành công thương các tỉnh có nhiều ý kiến về việc kết nối, liên kết giữa các bên, đề xuất nguồn vốn vay... Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, TP đang thực hiện 4 nhóm mặt hàng bình ổn thị trường là 10 mặt hàng rau củ quả, lương thực thực phẩm, nhóm 105 sản phẩm phục vụ mùa khai giảng, nhóm các sản phẩm sữa và nhóm 25 mặt hàng dược phẩm thiết yếu.

Qua 16 năm thực hiện chương trình, TPHCM không còn tình trạng mất ổn định thị trường, giá cả. Đó là nhờ một phần có kết nối thị trường với các tỉnh thành lân cận.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM bàn bạc các giải pháp, ký kết biên bản thỏa thuận để liên kết cùng nhau thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn thị trường trong các tỉnh thành trong khu vực và nhất là kịp thời giải quyết những trường hợp hàng hóa tăng giá bất thường hoặc giảm giá bất hợp lý đối với các hàng hóa nông phẩm, ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân.

Đối với một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và sản xuất, đề nghị sở Công thương các tỉnh thành liên kết chặt chẽ hơn, với các giải pháp hữu hiệu nhất để kịp thời chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa để ổn định thị trường, không để mất cân đối cung cầu cục bộ, gây sốt giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới và nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại có khoảng 60.000 tỷ đồng cho việc kết nối cung cầu. Riêng TPHCM, các Ngân hàng thương mại đăng ký 18.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn thị trường, cho doanh nghiệp vay trong chương trình bình ổn thị trường.

Cũng trong hội nghị này, 14 sở ngành công thương của TP HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết biên bản thoả thuận kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường năm 2019.

Dự kiến hội nghị tổng kết kết nối cung cầu và bình ổn thị trường năm 2019 giữa TPHCM với 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tổ chức tại TP HCM.