Việt Nam tăng cường nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong hội nhập

(VOH) - “Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp cũng như lực lượng quản lý thị trường Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế”..

Đó là mục tiêu của hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vào sáng 10/5. Hội thảo do Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức.

Việt Nam tăng cường nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong hội nhập

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường phát biểu.

Hội thảo công bố kết quả khảo sát, nghiên cứu về thực trạng tình hình xâm phạm và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Năm 2017, với nguồn nhân lực khoảng 6.500 người, 24 đội chuyên trách về hàng giả, sở hữu trí tuệ của một số Chi cục quản lý thị trường các tỉnh; Cục Quản lý thị trường đã phát hiện gần 5.000 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt gần 73 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là trên 500 tỷ đồng.

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường khẳng định, thực thi quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam luôn coi trọng việc bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thể hiện mạnh mẽ nhất quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là quyết định 334 ra đời: "Quản lý thị trường chúng tôi xác định, không phải đồng hành nữa mà chúng tôi phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, bảo vệ tốt các doanh nghiệp làm ăn uy tín, chân chính, tuân thủ pháp luật, đóng thuế đầy đủ, bằng cách xử lý nghiêm những doanh nghiệp trốn lậu thuế, làm hàng gian, hàng giả. Việc ra đời quy định 334 cho thấy rằng chính phủ Việt Nam luôn xác định rõ ràng nhiệm vụ chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay".

Bày tỏ tâm tư khi đầu tư vào Việt Nam, ông Hwang Hongkoo, Phó trưởng thương vụ Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP HCM chia sẻ: "Doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ và tình trạng hàng giả trên trị trường Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn Chính phủ Việt Nam quản lý chặt chẽ hơn vấn đề sở hữu trí tuệ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại Việt Nam; bởi rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tạo được sức ảnh hưởng lớn tại thị trường Việt Nam".

Tuy nhiên công tác chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp. Các khó khăn chủ yếu đến từ: nguồn nhân lực hạn chế; thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, trang thiết bị, kinh phí; cơ chế thực thi còn chồng chéo, thủ tục thực thi nhiều bất cập; nguồn lực doanh nghiệp Việt còn nhỏ; ý thức cộng đồng chưa cao… đã làm hạn chế hiệu quả trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Việt Nam tăng cường nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong hội nhập

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành.

Từ các thực trạng và phân tích này, các nhà nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị về cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam như: đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo sát thực trạng và xu hướng của hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để hiểu rõ hơn về các hành vi của thị trường. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hợp tác chặt chẽ với các công ty nước ngoài tại Việt Nam: nâng cao khả năng nhận diện hàng giả. Xây dựng kế hoạch chiến lược trung hạn và dài hạn để đào tạo các lực lượng chức năng. Loại bỏ chồng chéo bằng cách thu gọn đầu mối trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ.