Xu hướng chăm sóc sức khỏe trong đầu tư và kinh doanh khách sạn

(VOH) - Hiện nay, Việt Nam chưa có định hướng rõ ràng và ngành khách sạn chưa khai thác hiệu quả loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

“Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe là một mô hình khá mới mẻ tại Việt Nam nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm hoàn hảo nhất khi đi du lịch và là một tiềm năng lớn trong việc kinh doanh khách sạn ở Việt Nam”. Đây là những khẳng định của bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM tại hội thảo Xu hướng chăm sóc sức khỏe trong đầu tư và kinh doanh khách sạn diễn ra sáng nay 25/4.

Tuy nhiên, theo bà Hoa, Việt Nam hiện vẫn chưa có định hướng rõ ràng và ngành khách sạn cũng chưa khai thác hiệu quả loại hình du lịch này.

du lịch chăm sóc sức khỏe, kinh doanh khách sạn

Các đại biểu tham gia thảo luận tại sự kiện

Bà Hoa nói: "Nếu năm 2013, xu hướng này có mặt tại 63 quốc gia, thì đến năm 2018 đã có 100 quốc gia xuất hiện loại hình kinh doanh này. Việt Nam cũng được đánh giá là nơi có nhiều yếu tố thuận lợi, thích hợp để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Mô hình du lịch này đòi hỏi có mức chi tiêu cao.

Theo báo cáo của Viện Chăm sóc Sức khỏe quốc tế, năm 2017, doanh thu từ loại hình du lịch này đạt 640 tỷ đô la Mỹ với 830 triệu chuyến đi theo xu hướng du lịch này, tăng 135 triệu đô la Mỹ so với năm 2015".

Tại hội thảo, ông Maurio Gasparotti, Giám đốc Savill Hotel Khu vực châu Á chia sẻ, với tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức 13,8% trong những năm gần đây thì việc đầu tư vào xu hướng chăm sóc sức khỏe ở lĩnh vực lưu trú là bước đi đúng. Theo dự đoán, năm 2025, Việt Nam sẽ đón 35 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Ông Gasparooti phân tích thêm, mục tiêu này này có thể đạt được sớm hơn 2 năm, tức năm 2023 vì tốc độ phát triển của du lịch Việt Nam quá lớn. Việc đầu tư kinh doanh khách sạn hướng đến chăm sóc sức khỏe cũng sẽ khiến mức thu hồi vốn nhanh hơn.

"Du khách đi du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe có mức chi nhiều hơn đối với du khách thông thường. Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mức quan tâm của du khách đối với du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe đứng thứ 2 trên toàn cầu, sau Châu Âu.

Khách du lịch Việt Nam hiện rất quan tâm đến mô hình này. Chúng tôi nghiên cứu và thấy rằng, 23% khách du lịch Việt Nam quan tâm đến du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, đứng thứ 3 ở khu vực ASEAN, sau Malayssia là 29%, và Philippines là 31%".

Theo định hướng đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón 21 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 2025 sẽ đón 35 triệu lượt khách du lịch quốc tế; năm 2035 con số này đạt 47 triệu lượt khách.

Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng Cục Du lịch: hai năm gần đây, các cơ sở nghỉ dưỡng ở nước ta đã quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dùng như tăng diện tích phòng tập gym, souna, đồng thời nâng cao nhu cầu trải nghiệm của du khách.

Với xu hướng đó, đại diện Tổng Cục Du lịch tin tưởng, loại hình này sẽ phát triển nhanh :

"Với nhu cầu đó, chúng tôi định hướng sẽ tập trung vào phát triển sản phẩm theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo nên các thương hiệu mạnh, nâng cao sức cạnh tranh. Để tạo ra các sản phẩm khác biệt phải biết dựa vào các tài nguyên, thế mạnh của Việt Nam.

Chúng tôi ủng hộ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Những sản phẩm chăm sóc sức khỏe vừa đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng cũng phù hợp với định hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới".