Xử lý tài sản bảo đảm tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu 

(VOH) - Ngày 6/12, Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) và Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng”.

Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, khâu xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc đã tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu. 

Hội thảo ghi nhận nhiều kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về Quyền xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng cũng như trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền xử lý tài sản bảo đảm của cơ quan tư pháp các cấp.

Các diễn giả cho rằng, quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải thay đổi. Đó là phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức là bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ.

Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm.