Những lưu ý trong kỹ thuật tái canh cà phê

(VOH) - Việc tái canh vườn cà phê là biện pháp hữu hiệu giúp nông dân trẻ hóa vườn cà phê già cỗi bằng những giống cây trồng mới, cho năng suất cao và kháng bệnh tốt.

Theo Tiến sĩ Công Tằng Tôn Nữ Tuấn Nam, nguyên Cán bộ nghiên cứu Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thì, hiện nay diện tích vườn cà phê được tái canh khá lớn, chiếm khoảng trên dưới 20.000 hecta.

Tuy nhiên, không phải vườn cà phê nào cũng tái canh thành công. Khi để cây mắc phải bệnh vàng lá, thối rễ thì việc tái canh được xem là không đạt hiệu quả. Mặc dù, những vườn cà phê tái canh đều được thực hiện bởi những nhà vườn giàu kinh nghiệm.

Không phải vườn cà phê nào cũng tái canh thành công. Ảnh minh họa: internet

Sau đây là một số lưu ý khi thực hiện việc tái canh cây cà phê của Tiến sĩ Công Tằng Tôn Nữ Tuấn Nam:

- Phải nhổ sạch rễ những cây cà phê già cỗi bám trong đất, đất phải được xới và phơi suốt mùa nắng, rễ phải được đốt sạch sẽ.

- Áp dụng chế độ luân canh bằng những cây trồng ngắn hạn, thời gian luân canh kéo dài 2 – 3 năm; nếu đất sạch, không bị mầm bệnh từ những cây già cỗi trước thì nhà vườn có thể trồng tái canh ngay mà không cần thời gian luân canh.

- Đất được cải tạo bằng vôi bột, khoảng 2 tấn/hecta.

- Đào hố trồng cây cà phê tái canh không được trùng với hố cây trước đó.

- Cây cà phê chọn trồng tái canh phải là giống cây mới đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo bầu cây giống sạch, chọn từ vườn ươm uy tín, sử dụng đất bầu sạch…

- Bón nhiều phân chuồng, từ 15 – 20kg/hố cây.

- Áp dụng các kỹ thuật sinh học.

- Bón cân đối và đầy đủ lượng phân bón hóa học, điều này giúp cây tăng trưởng tốt và cho năng suất cao.