Đơn xin tị nạn vào châu Âu ngày càng gia tăng

(VOH) - Số người nộp đơn xin tị nạn tại các nước châu Âu gần đây ghi nhận có sự gia tăng rõ rệt, trong đó đa số là người di cư đến từ khu vực Nam Mỹ.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Hỗ trợ tị nạn châu Âu (EASO), con số gia tăng lần này vẫn duy trì ở mức thấp hơn thời điểm xảy ra đợt khủng hoảng tị nạn ở châu Âu vào năm 2015.

Theo đó, trong 5 tháng đầu tiên của năm 2019, các nước thuộc Khu vực Tự do thương mại châu Âu (EFTA) - bao gồm 28 quốc gia châu Âu và Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và quốc gia nhỏ ở vùng Alps Liechtenstein, đã tiếp nhận hơn 290.000 đơn xin tị nạn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Số gia tăng này chủ yếu là người Venezuela và các nước Mỹ Latin khác tìm kiếm cơ hội được tị nạn tại các nước phương Tây khi tình hình chính trị và kinh tế tại quê hương lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, theo EASO.

Cụ thể, số đơn nộp xin xem xét tị nạn của người Venezuela rơi vào khoảng 18.400 đơn từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Với con số này, Venezuela đã trở thành quốc gia có số dân xin tị nạn châu Âu đông đứng thứ hai, xếp sau Syria.

Venezuela hiện đang trải qua thời kỳ cực kỳ khó khăn khi nền kinh tế gần như sụp đổ và khủng hoảng chính trị kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng di cư gần đây trong lịch sử của châu lục Nam Mỹ với khoảng 3 triệu người Venezuela đã phải rời khỏi quê hương; phần lớn trong số đó di cư đến các quốc gia lân cận trong khu vực.

Đơn xin tị nạn vào châu Âu ngày càng gia tăng

Người di cư xếp hàng dài chờ nộp đơn xin tị nạn bên ngoài một trụ sở cảnh sát ở Madrid, Tây Ban Nha vào tháng 11/2018 (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, theo EASO, châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể cùa người tị nạn đến từ Colombia và nhiều quốc gia khác như El Salvador, Honduras, Nicaragua và Peru.

Dòng người di cư này đã làm tăng gần 50% số đơn xin tị nạn vào Tây Ban Nha vào năm ngoái khi xu hướng phần lớn người tị nạn Venezuela muốn tìm đến những quốc gia châu Âu có cùng ngôn ngữ và nền văn hóa ngày càng phổ biến. Điều này đã dẫn đến kết quả Tây Ban Nha đã trở thành một trong những quốc gia EU nhận được nhiều đơn xin xem xét tị nạn nhất; gần bằng cả Italy. Đây là những quốc gia "gánh nặng" nhất trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Số người di cư đến Italy năm nay đã giảm đi một nửa sau khi nước này ban hành luật kiểm soát biên giới gắt gao.

Một số quốc gia khác như Đức tiếp tục là điểm đến được nhiều người di cư chọn lựa nhất trong nửa đầu năm nay, theo báo cáo của EASO, mặc dù con số đã giảm 17% so với năm ngoái với gần 185.000 trường hợp. Pháp là quốc gia thứ hai nhận được nhiều đơn xin tị nạn nhất với 21% tăng so với năm 2018.

Chỉ một phần rất nhỏ số người xin tị nạn được xem xét chấp nhận bởi các nước châu Âu, đa số còn lại bị từ chối hoặc là bị buộc trở về nước, hoặc là lại tiếp tục nộp đơn xin lần thứ hai.

Cảnh sát Colombia đang chốt chặn trước đông đảo người dân Venezuela tìm cách vào lãnh thổ Colombia tại khu vực cầu Simon Bolivar ở biên giới phía bắc Colombia, ngày 24/1/2018 (Ảnh: cfr.org)

Colombian police officers stand in front of people lining up to try to cross into Colombia from Venezuela through Simon Bolivar International Bridge in Cucuta, Colombia, on January 24, 2018. C

Cũng theo EASO, làn sóng di cư gia tăng gần đây đến châu Âu gần như chỉ là xu hướng tạm thời khi tổng số trường hợp vẫn thấp hơn so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2015 khi khủng hoảng di cư bùng nổ kể từ thời Thế chiến II. Thời điểm đó, số người lần đầu tìm kiếm cơ hội di cư đến các nước trong khu vực EFTA lên tới con số 1,4 triệu trường hợp. Phần lớn trong số này là người tị nạn đến từ Syria và các nước Trung Đông, châu Phi tìm kiếm một cơ hội tốt hơn khi quê hương bị tàn phá nặng nề bởi nội chiến triền miên và nghèo đói. Năm ngoái, con số này đã giảm đi hơn một nửa, chỉ còn 650.000 trường hợp nhờ vào các chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ đối với người nhập cư.

Bình luận