Ít nhất 15 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công khách sạn ở Kenya

Dự kiến số người thiệt mạng sẽ gia tăng.

Theo thông tin mới cập nhật, ít nhất 15 người đã thiệt mạng khi một nhóm tay súng tấn công vào khu tổ hợp văn phòng-khách sạn DusitD2 ở quận Westland, thủ đô Nairobi của Kenya.

Nhóm phiến quân Hồi giáo Al-Shabaab hoạt động ở Somali đã nhận thực hiện vụ tấn công này.

Theo người phát ngôn cảnh sát Kenya Charles Owino, toàn bộ lực lượng cảnh sát, trong đó có cả đội chống khủng bố, đã được điều động đến hiện trường.

Khủng bố Hồi giáo cực đoan

Lực lượng đặc nhiệm làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ nổ ở Westlands, Nairobi, Kenya, ngày 15/1/2019.

Các nhân chứng cho biết đã nhìn thấy 4 người đàn ông có vũ trang bước vào khu tổ hợp này cũng như đã nghe thấy tiếng súng nổ từ nhiều hướng.

Theo một nhà báo có mặt tại hiện trường, lực lượng chức năng và các tay súng đã giao tranh.

Gần 11 giờ sau khi xảy ra vụ tấn công, người ta vẫn còn nghe thấy tiếng súng giao tranh và tiếng nổ tại khu vực này, cho thấy tình hình nơi đây vẫn chưa được kiểm soát.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Kenya Fred Matiang'i cho biết toàn bộ các tòa nhà đã được đảm bảo an toàn và hàng chục người được sơ tán khỏi hiện trường.

Theo một nguồn tin an ninh, hàng chục người vẫn đang ẩn náu trong khu tổ hợp này.

Một người có mặt tại hiện trường cho biết 15 thi thể đã được đưa ra khỏi tòa nhà, gồm 11 người Kenya, 1 người Mỹ và 1 người Anh theo giấy tờ căn cước của họ và 2 người còn lại chưa xác định được quốc tịch vì không mang giấy tờ tùy thân.

Dự kiến số người thiệt mạng sẽ gia tăng.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Maria Fernanda Espinosa ngày 15/1 đã lên án cuộc tấn công khủng bố ở thủ đô Nairobi của Kenya và tuyên bố Liên hợp quốcluôn sát cánh cùng người dân Kenya.

Trong cuộc họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ông Guterres đã gọi cuộc tấn công là “hành động khủng bố hèn hạ.”

Bà Espinosa đã gửi những lời chia buồn chân thành đến Chính phủ và nhân dân Kenya, đặc biệt là những nạn nhân của cuộc khủng bố và gia đình của họ.

Làn sóng bạo lực tại Kenya đã gia tăng sau khi nước này cử binh lính tới Somalia hồi tháng 10/2011 tham gia chiến dịch truy quét nhóm phiến quân Al-Shabaab, chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Al-Shabab cũng đã tiến hành rất nhiều vụ tấn công khủng bố ở châu Phi trong thập kỷ vừa qua.