Anh - Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận Brexit: Nhiều nguy cơ đối với Thủ tướng Anh

(VOH) -  Đàm phán về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có những tiến triển đáng kể sau khi Anh và Liên minh châu Âu nhất trí được 1 văn kiện về vấn đề biên giới giữa Anh và Iceland hậu Brexit.

Đây vốn là nội dung “gai góc” nhất trong cuộc đàm phán Brexit. Trong chiều tối 14/11 (theo giờ Anh) thì chính phủ Anh cũng đã bỏ phiếu thông qua bản dự thảo thoả thuận này.Dù đây là một bước tiến tích cực, nhưng giới phân tích cho rằng chông gai vẫn đang chờ Thủ tướng Anh Theresa May phía trước. 

Sau 20 tháng đàm phán căng thẳng và mệt mỏi, việc Anh và Liên minh châu Âu đạt được dự thảo thỏa thuận Brexit được cho là một đột phá quan trọng. Với hơn 500 trang, bao gồm 185 điều khoản, 3 Nghị định thư và rất nhiều phụ lục, đây là một bản thoả thuận rất đồ sộ và phức tạp. Trọng tâm của dự thảo thoả thuận này liên quan đến nhiều nội dung. Về nghĩa vụ tài chính, Vương quốc Anh dự kiến phải trả cho Liên minh châu Âu 45 tỷ Euro. Tiếp theo, hàng triệu công dân Anh và công dân Liên minh châu Âu đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ của nhau sẽ tiếp tục được giữ nguyên quyền lợi như hiện tại, tiếp tục được hưởng trợ cấp và đoàn tụ gia đình. Toà Tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến công dân Liên minh châu Âu sinh sống tại Anh. Đây đều là các vấn đề đã được hai bên đồng ý từ nhiều tháng trước.

Thủ tướng Anh Theresa May

Điểm mới nhất, và cũng là quan trọng nhất trong dự thảo thỏa thuận mới đạt được là vấn đề biên giới Bắc Iceland. Theo đó, để đảm bảo không tái lập lại biên giới cứng giữa vùng đất Bắc Ai-len thuộc Vương quốc Anh với nước Cộng hòa Ai-len thuộc Liên minh châu Âu thì hai bên đã đưa ra giải pháp là duy trì cả Vương quốc Anh, chứ không chỉ riêng Bắc Ai-len, trong liên minh thuế quan châu Âu trong một thời gian quá độ. Thời gian quá độ hoàn tất tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu chưa được nêu ra nhưng trên lý thuyết là sẽ kéo dài cho đến khi nào Anh và Liên minh châu Âu hoàn tất được một thoả thuận về quan hệ kinh tế tương lai giữa hai bên thời hậu Brexit. Tuy nhiên, trong thời gian quá độ này Bắc Iceland ngoài việc phải tuân thủ các quy định của khối thị trường đơn nhất châu Âu thì sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn về các quy định của Liên minh châu Âu so với phần còn lại của Vương quốc Anh.

Để đạt được bản thỏa thuận này, chính phủ Anh đã phải đưa ra nhiều nhân nhượng lớn. Trong đó, chính phủ Anh sẽ phải tiếp tục tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu trong các lĩnh vực xã hội, thuế, môi trường và trợ cấp Nhà nước. Ngoài ra, Toà tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền xét xử các vụ việc có liên quan đến quyền lợi của công dân châu Âu sinh sống tại Anh. Về phía châu Âu, việc giữ toàn bộ cả Vương quốc Anh ở lại trong liên minh thuế quan là một nhân nhượng lớn. Bởi ngay từ đầu, khi chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit cách đây 20  tháng thì quan điểm của 27 nước Liên minh châu Âu hoàn toàn khác biệt với việc muốn loại bỏ Anh toàn toàn khỏi liên minh thuế quan. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, Liên minh châu Âu đã phải nhượng bộ Anh vì hai lí do. Thứ nhất, nếu Liên minh châu Âu vẫn kiên quyết chỉ đồng ý cho Bắc Ai-len ở lại trong liên minh thuế quan nhằm duy trì sự thông thương với Cộng hòa Iceland thì vấn đề biên giới Bắc Iceland sẽ bế tắc hoàn toàn bởi chắc chắn Vương quốc Anh không chấp nhận. Thứ hai, là lo ngại nếu như Liên minh châu Âu “ép” Vương quốc Anh quá mức thì Vương quốc Anh có thể biến thành một “thiên đường thuế” ở ngay cửa ngõ châu Âu cũng như thực thi nhiều chính sách phá giá về thương mại. Vì tất cả những lí do đó, hai bên đều buộc phải có những nhân nhượng lẫn nhau.

Ngay trong ngày hôm qua (15/11), lãnh đạo 27 nước châu Âu đã nhóm họp để thông qua dự thảo thoả thuận mới, với việc tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của khối vào cuối tháng này.

Đối với nước Anh, giới phân tích nhận định rằng chính phủ của Thủ tướng Tê-rê-za Mây đang đối mặt với nhiều rủi ro và sức ép rất lớn. Bởi hiện tại phe phản đối tại Anh phản đối bà May rất quyết liệt, thậm chí ngay trong chính nội bộ đảng Bảo thủ của bà May cũng đang có nhiều quan điểm khác biệt. Phe này cho rằng các nhân nhượng của Anh trong đàm phán Brexit là một sự phản bội các cử tri Anh, những người đã lựa chọn Brexit vào tháng 6/2016 và việc nước Anh trên thực tế vẫn ở lại trong Liên minh châu Âu mà lại không có quyền bỏ phiếu là điều không thể chấp nhận được.

Rõ ràng, đây là bài toán chính trị hết sức phức tạp đối với Thủ tướng Anh. Bởi muốn mọi việc êm xuôi, Thủ tướng Anh May phải thuyết phục được đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ai-len ủng hộ quyết định của chính phủ. Đảng này tuy chỉ có 10 thành viên trong Nghị viện Anh nhưng lại là nhân tố không thể thiếu để tạo nên đa số cho chính phủ của bà May tại Nghị viện Anh. Nhưng rủi ro lớn nhất với bà May là sự liên kết phản đối giữa Công đảng đối lập với đảng Dân tộc Scotland cũng như các thành viên bất mãn trong chính nội bộ đảng Bảo thủ.

Trong khi đó, nhóm nổi loạn trong nội bộ đảng Bảo thủ, mà dẫn đầu là cựu Ngoại trưởng Anh Bô-rít Giôn-sơn (Boris Johnson) mong muốn lật đổ bà May để lên thay thế. Ngoài ra, Công đảng của chính trị gia Giê-rê-my Cóc-byn (Jeremy Corbyn) mong muốn lật đổ chính phủ bà May và tổ chức bầu cử tổng tuyển cử trước thời hạn, qua đó giành lại quyền lực, hoặc thậm chí là tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Trong khi đó thì đảng Dân tộc Scotland cũng muốn nhân các bất đồng về Brexit để làm sống lại tham vọng tổ chức trưng cầu ý dân lần nữa để tách Scotland ra khỏi Vương quốc Anh.Vì thế, từ giờ đến cuối năm 2018 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với Thủ tướng Anh Theresa May. Bởi nếu “không chắc tay lái”, con thuyền nước Anh sẽ chao đảo. Theo đó, không chỉ bản dự thảo thoả thuận Brexit vừa đạt được bị đổ bể mà ngay chính phủ của Thủ tướng Theresa May cũng có thể bị tan vỡ./.