Bình luận: Hãy hành động khi chưa quá muộn

(VOH) - Có thể nói, tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu đã gây ra hàng loạt những thảm họa thiên nhiên như siêu bão, hạn hán, dịch bệnh…ngày càng khốc liệt hơn. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ấy đã và đang gây ra thiệt hại lớn về người và của trên toàn thế giới. Nếu chúng ta không sớm có hành động đối phó với lượng khí thải khổng lồ do chính con người tạo ra, thì thế giới sẽ không tránh được việc phải đối mặt với những thảm họa nghiêm trọng hơn nữa trong tương lai.
Ông Naderev Yeb Sano lau nước mắt khi đang phát biểu. Ảnh: NLĐ

Hội nghị công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 năm 2013 (COP) đang diễn ra tại Thủ đô Vácsava  – Ba Lan dự kiến thông qua lời kêu gọi đạt được một thỏa thuận mới nhằm cắt giảm lượng khí thải, gây hiệu ứng nhà kính và tạo ra hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều khiến nhiều người xúc động trong hội nghị này chính là bài phát biểu chân thành của Trưởng đoàn đàm phán Philippines ông Yeb Sano kêu gọi cả thế giới hãy hành động khẩn cấp để ngăn chặn một cơn bão tàn khốc khác có thể ập tới giống như siêu bão Haiyan đã khiến cho thành phố Tacloban phút chốc trở nên hoang tàn và chết chóc. Hàng ngàn người thiệt mạng, hơn nửa triệu người bị mất nhà cửa, thiệt hại tiền của ước tính khoảng 14 tỷ USD. Điều khiến nhiều người xúc động và suy nghĩ không chỉ là những giọt nước mắt của người đàn ông này mà là hành động tuyệt thực trong hội nghị để chia sẻ với những đớn đau của đồng bào của ông ở quê nhà và cũng mong muốn thông qua hành động này khiến cho nhiều người nỗ lực tìm tiếng nói chung để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.  

Các nhà khoa học đã cảnh báo đến hiện tượng ấm lên toàn cầu từ vài chục năm trước, dự báo con người sẽ phải đối mặt với nhiều thiên tai tàn khốc trong tương lai nhưng khi đó, các quốc gia còn bận chạy đua tăng trưởng kinh tế cùng những mục đích phát triển khác nhau. Những dự đoán xa vời xem ra có tác dụng mấy đến những cái đầu lạnh. Vậy nhưng bắt đầu từ vài năm nay, cụm từ biến đổi khí hậu đã trở nên rõ ràng hơn và hành động của các quốc gia đã cụ thể hơn, bởi thiên tai không còn lờ mờ ở đâu xa xôi mà nhiều quốc gia trên thế giới đã phải từng ngày từng giờ đối đầu và giải quyết các hậu quả này. Đã thấy lũ lụt ở dãy Himalaya, băng tuyết rơi dày và kéo dài nhiều ngày ở Châu Âu và trong khi nhiều nước Châu Á đang chìm trong bão lũ thì Châu Phi ngày càng khô cằn, thiếu lương thực và nước uống trầm trọng. Các hiện tượng thiên nhiên bất thường khác liên tục hoành hành ở nhiều nước trên thế giới và rõ ràng là việc cảnh báo băng tan ở Bắc Cực, các hòn đảo sắp biến mất, nhiều thành phố và đồng bằng sẽ chìm dần trong nước… đã không còn là viễn cảnh. Người ta từng ví hậu quả của biến đổi khí hậu là sự khủng hoảng im lặng vì nó ít được chú tâm và những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ những mối đe dọa này lại là những nước nghèo. Sự bất lực khi phải chống chọi với thiên tai là thấy rõ.

Điều đáng suy ngẫm là trong các hội nghị trước những thỏa thuận đạt được để giúp các quốc gia chịu thiệt thòi ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn ít ỏi. Chẳng hạn như tại hội nghị lần thứ 18 vào năm ngoái, nghị định thư Kyoto đã được khởi động trở lại sau hàng loạt các đàm phán. Có một điều trớ trêu là các nước thành viên ký kết nghị định thư chỉ chiếm không đầy 15% lượng khí thải của cả thế giới, trong khi nhiều quốc gia phát triển khác đã từng gây ra lượng khí thải lớn trong lịch sử thì lại không muốn tham gia bất kỳ thỏa thuận nào. Thêm vào đó, những nơi chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn rất khó khăn khi tiếp cận nguồn quỹ khoảng 100 tỷ USD do các quốc gia đóng góp để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu. Còn rất nhiều thứ nữa vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp trong khi các cơn thịnh nộ của thiên nhiên lại ngày một nhanh hơn, mạnh hơn và ngày một bất thường hơn. Chắc chắn những giọt nước mắt của ông Yeb Sano có thể khiến cho hàng tỷ trái tim trên thế giới rung động, sẻ chia với những mất mát đau thương của người dân Phillipines và những suy nghĩ mạnh mẽ của ông tại hội nghị có thể động chạm nhiều người, nhưng liệu nó có thể khiến cho những cái đầu lạnh về kinh tế nhìn rõ vào sự thật mà hành động trước khi quá muộn. Rất mong một cái kết có hậu tại COP 19.