Bình luận: Không phải chỉ có một Toul Sleng

(VOH) - Tuần qua, nghị sĩ quốc hội Campuchia - Phó chủ tịch Đảng Phục hồi dân tộc Campuchia Kem Sokha đã có một tuyên bố gây sốc, ông bày tỏ nghi ngờ về sự tồn tại của nhà tù Toul Sleng, nơi có gần 20.000 người chết trong thời gian Khmer đỏ cầm quyền, từ tháng tư năm 1975 đến tháng 1 năm 1979. Ông ta nói rằng, nhà tù Toul Sleng chỉ là sự dàn dựng. Thậm chí là do Việt Nam dàn dựng lên!

Phát biểu của ông Kem Sokha đã làm toàn thể Quốc hội Campuchia (CPC) sửng sốt. Ngay sau đó, quốc hội nước này đã thông qua đạo luật trừng phạt việc phủ nhận tội ác diệt chủng trong thời kỳ Campuchia Dân chủ với 86/86 phiếu thuận. Tức là toàn thể 100% nghị sĩ của tất cả các đảng phái đều lên án lời phát biểu này.

Sự ngạc nhiên trong nghị trường ngay lập tức đã biến thành sự phẫn nộ trên đường phố khi hàng vạn người dân CPC tại Phnom Penh đã biểu tình để phản đối thái độ nghi ngờ về sự tồn tại của nhà tù Toul Sleng. Họ tập hợp trong một công viên để nghe những người tù đã may mắn thoát chết ở trại Toul Sleng kể lại những hành động tra tấn dã man, những phương cách hành quyết tàn bạo nhất, vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Những người còn sống sót không phải là nhiều, theo thống kê của trung tâm lưu trữ tư liệu Campuchia thành lập ở Phnom Penh năm 1995 thì chỉ có khoảng 14 người trong hơn 17.000 tù nhân là còn sống sót để bước ra ngưỡng cửa nhà tù khi Campuchia được giải thoát khỏi thảm họa diệt chủng tháng 1 năm 1979.

Những người biểu tình đã kêu gọi ông Kem Sokha xin lỗi người dân Campuchia. Ông Chum Mey 83 tuổi, một trong 14 người hiếm hoi còn sống sót sau những tháng ngày địa ngục tại Toul Sleng đã dẫn đầu cuộc biểu tình tuyên bố: "Tôi không cho phép bất cứ ai bóp méo lịch sử khi mà tôi vẫn còn sống. Chúng tôi yêu cầu ông Kem Sokha hãy thắp nhang và xin lỗi trước hương hồn những người đã khuất".


Rất đông người dân Campuchia biểu tình phản đối xuyên tạc lịch sử - Ảnh: TTVH.

Không phải chỉ ở Phnom Penh, truyền thông Campuchia cho hay, hàng ngàn người khác cũng đã biểu tình ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Những người biểu tình giương biểu ngữ có dòng chữ: “Kem Sokha là người đầu tiên dám xúc phạm vong hồn của tất cả nạn nhân của chế độ Pol Pot.” Không phải chỉ có ông Chum Mey, ông Van Nath cũng là một nạn nhân, kể cả những người trước đây từng là đồ tể ở nhà tù Toul Sleng như Prat Khan, đồ đệ của tay đồ tể Duch cũng hoàn toàn bất ngờ trước tuyên bố của Kem Sokha. Người ta tự hỏi, Kem đã ở đâu khi hàng triệu người Campuchia bị hành quyết trong bàn tay của những tên đao phủ dưới thời Campuchia dân chủ, thế lực nào đã giật dây Kem Sokha để anh ta có thể phủ nhận lịch sử, nói ngược lại những điều đã hằn sâu trong tâm trí 14 triệu người Campuchia, bất chấp hương hồn của hơn 2 triệu người vô tội đã bị thảm sát từ tháng 4 năm 1975 đến tháng 1 năm 1979.

Mà nào phải chỉ có Toul Sleng, khi nhân dân Campuchia được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam vùng lên lật đổ chế độ Pol Pot, người ta đã phát hiện được 189 nhà tù với cung cách hành quyết giống như Toul Sleng, 19.403 hố chôn người tập thể, hàng trăm cánh đồng chết, hàng ngàn thân cây treo cổ, cùng những dòng sông, miệng giếng ngập xác tử thi và xương cốt. Tội ác man rợ của những kẻ diệt chủng giết chết non nửa dân số Campuchia thời đó đã vượt xa sự man rợ thời Trung Cổ và những trại tập trung của phát xít, tội ác đó sẽ mãi là một vết hằn của lương tri không chỉ của nhân dân Campuchia mà còn là nỗi đau đớn của toàn thể nhân loại trên thế giới. Đó là tội ác chống lại loài người.

Vậy thì lúc đó Kem Sokha ở đâu?

Phủ nhận tội ác diệt chủng là phủ nhận sự thật, nói ngược lại sự thật là phản bội lịch sử, là bày tỏ sự bất kính với hương hồn người đã chết. Nhân dân Kampuchia có quyền đòi hỏi công lý không chỉ cho hương hồn 2 triệu người đã bị hành quyết dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, mà còn cho cả 14 triệu người Campuchia đang bình yên để xây dựng một đất nước chùa Tháp tươi đẹp hôm nay.