Bình luận: Môi trường sống bền vững đến từ chính ý thức của con người

(VOH) - Trong lịch sử của trái đất, biến đổi khí hậu đã từng xảy ra theo các thời kỳ nóng hoặc lạnh kéo dài hàng vạn năm mà giới chuyên môn gọi là thời kỳ băng hà hay thời kỳ gian băng. Thời kỳ băng hà cuối cùng xảy ra cách nay 10 ngàn năm và hiện nay là giai đoạn ấm lên của thời kỳ gian băng. Nguyên nhân của nó được các nhà khoa học chỉ ra là do sự thay đổi độ nghiêng trục quay trái đất, sự thay đổi quỹ đạo quay của trái đất xung quanh mặt trời, vị trí các lục địa và đại dương và đặc biệt là sự thay đổi trong thành phần của khí quyển.

Có một nguyên nhân khác nữa đến từ sự tác động rất lớn của con người, mà hiện nay chúng ta thường gọi là sự nóng lên của bầu khí quyển do hiệu ứng nhà kính mang lại. Rõ ràng là sự biến đổi khí hậu giờ đây đang diễn ra ngày một gay gắt và nghiêm trọng. Trong vài chục năm trở lại đây, việc tan băng do trái đất nóng dần lên đã kéo theo nước biển dâng và gây ra các hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán, giá rét, cháy rừng, sa mạc hóa…gây thiệt hại khôn lường và làm đảo lộn đời sống của con người.

Mới đây cơn lốc tại bang Oklahoma ở Hoa Kỳ được gọi là vòi rồng với tốc độ di chuyển hơn 300 km/giờ đã cuốn đi hàng ngàn ngôi nhà, làm thiệt mạng hơn 20 người và phá hủy nhiều công trình. Và ngay trong thời điểm hiện nay, mưa bão, mưa đá, lốc xoáy vẫn đang hoành hành dữ dội trên diện rộng từ bang Virginia đến vùng Maine, Vermont và New Hampshire của Mỹ. Vẫn còn hơn 100 ngàn người sống trong cảnh mất điện. Tại Trung Âu, mưa lớn dồn dập đổ xuống gây ra lũ quét, lở đất, gây thiệt hại nặng nề cho các nước Áo, Đức và cộng hòa Séc. Riêng tại Việt Nam từ vài năm nay, nhiều vùng miền đã phải hứng chịu biết bao diễn biến khác thường của thời tiết như băng giá, nóng lạnh bất thường, lũ lụt hạn hán và cả những cơn mưa đá dữ dội gây ra bao thiệt hại. Theo kịch bản biến đổi khí hậu tới cuối thế kỷ 21, dải ven biển VN nước sẽ dâng cao thêm từ 78 tới 95 cm - có nơi thậm chí tới 105 cm, gây ngập 39% diện tích ĐBSCL; 35 % dân số bị ảnh hưởng; Nhiệt độ cả nước tăng thêm từ 2 đến 3 độ C; 20% diện tích của TP HCM sẽ bị chìm trong nước.


Kinh tế xanh bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa.

Có thể nói là giờ đây, hiểm họa do biến đổi khí hậu có thể xảy ra bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, bởi mọi diễn biến thời tiết dường như đã không còn theo quy luật và chu kỳ như trước kia. Một nghiên cứu với xác xuất lên tới 90% đã dự báo cho thấy sẽ có khoảng 3 tỷ người trên thế giới thiếu lương thực vào năm 2100 và rồi đây loài người sẽ còn phải chống chọi với nhiều cơn thịnh nộ bất thường và khắc nghiệt nữa của thiên nhiên. Chính vì vậy nếu ngay từ bây giờ không có những giải pháp tích cực và hữu hiệu để hóa giải và loại trừ bớt các hiểm họa từ thiên nhiên, e rằng hậu quả của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu sẽ là khó lường.

Tại Hội nghị môi trường Thế giới tổ chức ở Thủ đô Stockholm của Thụy Điển ngày 5/6/1972, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn ngày này làm ngày Môi trường Thế giới, với hy vọng tập trung sự chú ý vào tầm quan trọng của môi trường, sự quan tâm chính trị và các hoạt động bảo vệ môi trường, làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn… Từ đó nâng cao hiểu biết của cộng đồng về ý thức bảo vệ mội trường sống xung quanh mình bằng việc thay đổi các hành vị, tập quán và cả những phong tục và lối sống không phù hợp. Tranh thủ và tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng để đảm bảo rằng tất cả các Quốc gia và dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.Mỗi năm ngày môi trường Thế giới được tổ chức ở một Thành phố và có hàng trăm TP khác cùng ủng hộ hoạt động này với nhiều nội dung như tuần hành, diễu hành xe đạp, hòa nhạc xanh, trồng cây, tái chế chất thải, làm sạch môi trường và cả những việc tưởng như không mấy tác động như giảm lãng phí lương thực thực phẩm trong gia đình. Tuy nhiên nếu quan tâm chúng ta sẽ thấy là việc sản xuất lương thực toàn cầu cần 25% diện tích đất và tốn tới 70% nước ngọt đồng thời góp thêm 80% vào nạn chặt phá rừng và từ đó tạo thêm 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính- tác nhân làm cho trái đất nóng lên…

Với ngày Môi trường Thế giới, Liên Hiệp Quốc hy vọng là sẽ có thêm các cam kết, cơ hội ký kết hay phê chuẩn các công ước Quốc tế đồng thời tăng cường mối quan tâm chính trị và các hoạt động bảo vệ môi trường. Hy vọng là vậy, tuy nhiên các Quốc gia tham gia Nghị định thư Kyoto năm 1997 với cam kết cắt giảm 5% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn có những bất đồng hoặc là không thực thi triệt để, đã trở thành rào cản trong việc ngăn chặn và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Trong khi chờ đợi các nước có nền công nghiệp phát triển có động thái tích cực và cụ thể hơn thì trước mắt vẫn rất cần sự nỗ lực của cộng đồng dân cư tại mỗi quốc gia bằng từng việc làm cụ thể. Một môi trường sống lành mạnh và bền vững chỉ có được chính là từ ý thức của con người./.